- Nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh, buôn bán, mà không sản xuất, thì là một điều đáng quan ngại. Bởi, sản xuất là tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có vật chất thì mới tạo ra nhiều công ăn việc làm, đảm bảo được giá trị của đồng tiền và tạo nên thực lực của nền kinh tế.
Mới đây, tại cuộc họp giao ban của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 06/2015, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã đưa ra một con số, đó là Việt Nam hiện nay có khoảng 63%-65% doanh nghiệp hoạt động phi sản xuất. Để làm rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, 63%-65% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi sản xuất có gây ra điều bất lợi gì cho nền kinh tế hay không?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Cái gì có lợi thì doanh nghiệp làm, doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, đây là một điều hiển nhiên. Không có công thức chung hay tỷ lệ vàng cho sản xuất hay phi sản xuất để áp dụng cho mọi nền kinh tế. Việc xác định trọng tâm của nền kinh tế là thương mại hay sản xuất phụ thuộc vào đặc trưng của từng nền kinh tế khác nhau và từng giai đoạn phát triển khác nhau.
Tuy nhiên, đối với nước ta, nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh, buôn bán, mà không sản xuất, thì là một điều đáng quan ngại. Bởi, sản xuất là tạo ra của cải vật chất cho xã hội, có vật chất thì mới tạo ra nhiều công ăn việc làm, đảm bảo được giá trị của đồng tiền và tạo nên thực lực của nền kinh tế. Còn hoạt động phi sản xuất là một phần không thể thiếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nó ở một tỷ lệ phù hợp, cơ cấu phù hợp thì mới mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.
PV: Thực tế là doanh nghiệp sản xuất hiện nay có rất nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai. Điều này phải chăng là lý do khiến doanh nghiệp không muốn sản xuất, thưa ông?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Kết quả đánh giá công tác quy hoạch thời gian qua cho thấy, quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất đai đang là một trong những cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và gia nhập thị trường. Những bản quy hoạch giới hạn ngành này bao nhiêu, ngành kia bao nhiêu đang đi ngược lại với nguyên lý của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, các bản quy hoạch này còn thuộc nhiều cơ quan quản lý khác nhau, nên muốn gia nhập thị trường, doanh nghiệp phải đi qua rất nhiều “cửa ải” quy hoạch.
Nhận biết được nút thắt này, thời gian vừa qua, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, môi trường pháp lý cho đầu tư, kinh doanh đã cải thiện nhiều, song vấn đề là từ quy định pháp luật đến thực tế luôn có khoảng cách nhất định. Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp thực thi hữu hiệu để khoảng cách đó được rút ngắn. Tuy nhiên, nếu hỏi giới doanh nhân là những giải pháp đó đã đủ chưa, thì có lẽ họ sẽ trả lời là chưa đủ, chưa đạt, do đó vẫn cần phải tiếp tục cải thiện hơn nữa.
PV: Như Thứ trưởng đã nói ở trên, nếu tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực phi sản xuất quá nhiều, thì sẽ không có lợi cho nền kinh tế. Vậy, Nhà nước cần có những biện pháp gì để cân đối tỷ lệ giữa doanh nghiệp sản xuất và phi sản xuất.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Quyền của doanh nghiệp là mưu cầu lợi ích nên không thể cấm được. Chính vì vậy, chính sách của Nhà nước cần phải có những biện pháp phù hợp để cân đối lại tỷ lệ này và lập lại trật tự trong thị trường buôn bán hiện nay.
Những kiểu mưu cầu lợi ích, như: buôn bán lòng vòng, buôn gian bán lận, kiếm tiền bất chính là không phù hợp và trách nhiệm của Nhà nước là phải có biện pháp hiệu quả để chấn chỉnh và chấm dứt tình trạng đó. Còn buôn bán, kinh doanh chuẩn mực, đúng pháp luật, chính đáng thì không có vấn đề gì cả.
Nhà nước không thể đặt ra tỷ lệ cụ thể để cho đi vào bên nào nhiều bên nào ít, song bằng các công cụ điều tiết hợp lý, hiệu quả của mình, Nhà nước có thể định hướng dòng vốn đi vào kênh sản xuất hay phi sản xuất, để đảm bảo tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc./.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!