Trừng phạt tiếp nối trừng phạt

Thông báo trên trang Twitter sau ngày họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Chủ tịch EU Donald Tusk xác nhận lãnh đạo các nước EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, mà lẽ ra sẽ hết hạn ngày 31/1/2018. Dự kiến, quyết định này sẽ được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua trong vài ngày tới.

EU bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi sáu tháng các nhà lãnh đạo EU lại gia hạn trừng phạt Nga.

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho năm ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.

Các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa EU và Moscow. Nga đã trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU, hiện vẫn đang có hiệu lực. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn với thời gian là 6 tháng.

Con dao hai lưỡi

Trừng phạt Nga thực sự là con dao hai lưỡi, trong khi nó có thể gây khó khăn cho kinh tế Nga thì đồng thời cũng tác dụng tiêu cực đối với các nước đã thiết lập biện pháp trừng phạt, mà trong số này Đức được cho là tổn thất nặng nề nhất.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) trích dẫn một nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới có trụ sở ở Kiel cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến lĩnh vực xuất khẩu của Đức chịu thiệt hại lớn nhất so với các nước khác trong EU.

Nghiên cứu chỉ ra: “So với các nước phương Tây, Đức gánh chịu gần 40% tổn thất thương mại, trong khi những đấu thủ địa chính trị lớn khác bị ảnh hưởng ở mức độ thấp hơn nhiều”.

Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới, xuất khẩu của Anh sang Nga giảm 7,9%, Pháp giảm 4,1%, Mỹ chỉ thiệt hại 0,6% về xuất khẩu.

Do lệnh trừng phạt của EU, trung bình hàng tháng xuất khẩu của Đức sang Nga giảm 727 triệu Euro. Cũng cần lưu ý rằng chỉ trong năm 2015, tổn thất của các nước phương Tây do các hạn chế thương mại lên đến 44 tỷ USD, tương đương với 90% thiệt hại tại EU.

Hồi tháng 11 vừa qua, một trong những nhà lãnh đạo của Đảng “Sự lựa chọn cho nước Đức” Markus Frohnmaier thừa nhận, các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế Đức và đời sống người dân nước này.

Ông Frohnmaier chia sẻ trên tờ Izvestia, rằng giới doanh nghiệp Đức ước tính có khoảng 42.000 người thất nghiệp, trong khi đó nhiều công ty phá sản.

Một chính trị gia người Đức khác là Sahra Wagenknecht cũng công nhận, việc cấm vận kinh tế và chính trị Nga không những chẳng giúp ích gì trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế quan trọng, mà còn tác động tiêu cực ngược lại lên kinh tế các nước châu Âu, mà đặc biệt là Đức.

Với khu vực EU nói chung, bản báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc về tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế EU thiệt hại 3,2 tỷ USD/tháng và đến nay thiệt hại đã lên tới hơn 100 tỷ USD.

Viện Nghiên cứu kinh tế của Áo (WIFO) cho biết, lệnh trừng phạt từ phía Nga đã tác động nhiều nhất tới xuất khẩu nông phẩm và thực phẩm của EU (làm sụt giảm 22,5%). Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, đặc biệt là ô tô, giảm 17,7%; xuất khẩu nguyên liệu thô, nhất là sắt và thép, giảm khoảng 15%. Riêng đối với Áo, các lệnh trừng phạt kinh tế ước làm xuất khẩu của nước này sang Nga giảm 9,5% và gây thiệt hại khoảng 1 tỷ Euro (1,17 tỷ USD).

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, gói các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ nhằm vào Nga cũng khiến thiệt hại của EU trầm trọng hơn. Theo quy định mới, Washington có thể phạt các công ty nước ngoài nếu tham gia vào các dự án liên quan đến đầu tư, bảo trì, sản xuất trang thiết bị cho các đường ống dẫn khí đốt của Nga, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Đứng trước thực tế đáng lo ngại này, giới doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đức, kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao nỗ lực ngăn chặn việc siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống Nga./.