Qatar mở rộng cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Chính phủ Qatar ngày 4/1 cho biết nội các nước này đã thông qua dự luật cho phép tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% tại các doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, theo dự luật, các nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép mua bất động sản hay nhượng quyền thương hiệu. Ngoài ra, nếu muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, các nhà đầu tư nước ngoài cần được Chính phủ Qatar cấp giấy phép đặc biệt.

Hiện chưa rõ về thời gian chính thức có hiệu lực của dự luật trên. Trong khi đó, theo luật được thông qua năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài tại Qatar hiện được phép sở hữu 49% cổ phần của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Qatar.

Động thái trên được đưa ra vào thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và bốn nước láng giềng Arab vùng Vịnh - gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập - vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Google chuyển gần 16 tỷ Euro đến Bermuda để trốn thuế

Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google LLC (Mỹ) đã chuyển 15,9 tỷ Euro (19,2 tỷ USD) đến một công ty bình phong tại Bermuda trong năm 2016, giúp Google "lách" được nhiều tỷ USD tiền thuế, hãng tin Bloomberg ngày 3/1 đưa tin.

Bloomberg cho biết Google đã sử dụng hai cơ cấu có tên "Double Irish" và "Dutch Sandwich" để bảo vệ đa phần lợi nhuận quốc tế của tập đoàn này khỏi bị đánh thuế.

Google chuyển doanh thu từ một công ty con tại Ireland đến một công ty Hà Lan không có nhân viên, sau đó doanh thu được chuyển tiếp đến một hòm thư tại Bermuda của một công ty đăng ký tại Ireland khác.

Theo dữ liệu tài chính lưu trữ tại Mỹ, thuế suất thực tế trên toàn cầu của Google trong năm 2016 là 19,3%. Với mức thuế suất này, Google đã giữ lại được 3,7 tỷ USD thông qua cách thức chuyển tiền trên.

Trung Quốc thông báo sẽ giới hạn xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên

Ngày 5/1, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ giới hạn xuất khẩu dầu thô, các sản phẩm dầu tinh chế, thép và các kim loại khác cho Triều Tiên, nhằm tuân theo các biện pháp trừng phạt mới được Liên hợp quốc áp đặt do các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo quyết định của Bắc Kinh sẽ có hiệu lực từ ngày 6/1.

Trước đó, hôm 2/1, Chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục tôn trọng triệt để các biện pháp trừng phạt gần đây của Liên hợp quốc.

Tuyên bố trên trên được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng trước bỏ phiếu nhất trí ủng hộ các biện pháp mới đối với Triều Tiên do vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng.

Các biện pháp này nhằm mục đích giới hạn sự tiếp cận của Triều Tiên đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và dầu thô.

Chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy khai thác dầu khí ngoài khơi

Ngày 4/1, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố một kế hoạch đề xuất cho khoan thăm dò dầu khí ở hầu hết các vùng biển của Mỹ. Đề xuất này lập tức vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường và một số nhân vật phe Cộng hòa.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Mỹ, kế hoạch của chính phủ đề xuất chào thầu 47 lô thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi - số lượng nhiều nhất trong lịch sử Mỹ, với thời hạn 5 năm; đồng thời cho khai thác 98% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở các vùng biển thuộc quản lý của chính quyền liên bang.

Trong số 47 lô thăm dò nói trên có 19 lô ngoài khơi Alaska, 7 lô ở Thái Bình Dương và 12 lô tại Vịnh Mexico, 9 lô ở Đại Tây Dương. Con số này tăng đáng kể so với mức giới hạn mà chính quyền Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm đưa ra nhằm giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm môi trường./.