Sau 20 năm đàm phán, Nga chính thức trở thành thành viên của WTO vào ngày 22/8/2012

Ngày 7/1, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kinh tế Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Sergei Kalashnikov tuyên bố, nước này có thể rút khỏi WTO trong trường hợp WTO chấp thuận đơn kiện của Liên minh châu Âu (EU) buộc Nga nộp phạt 1,39 tỷ Euro/năm vì hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ khối này.

Cơ quan giám sát nông nghiệp Nga (Rosselkhoznadzor) từ ngày 30/1/2014 đã cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn từ các nước thành viên EU cho tới khi nhận được giấy bảo đảm an toàn từ Ủy ban châu Âu (EC). Theo phía Nga, quyết định này được thông qua sau khi bệnh dịch lợn châu Phi (ASF) bùng phát tại Litva và Ba Lan. Tuy nhiên, EU lại coi lệnh cấm này là không hợp lý và đệ đơn lên WTO yêu cầu thành lập nhóm chuyên gia giải quyết tranh cãi xung quanh vấn đề trên.

Tờ Politico của Nga cho biết, đơn kiện của EU đã được WTO gửi đến Tòa trọng tài. Mức yêu cầu bồi thường này ngang bằng tổng giá trị xuất khẩu thịt lợn từ EU vào Nga hồi năm 2013. Theo kế hoạch, số tiền phạt trên sẽ tăng 15% mỗi năm.

Phát biểu với báo giới, ông Kalashnikov nhấn mạnh, chính việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga đã hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc của WTO. Do đó, việc Nga áp đặt các biện pháp trả đũa hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ EU cũng hoàn toàn nằm ngoài các quy định của WTO.

Ông Kalashnikov cảnh báo trong trường hợp đơn kiện của EU được chấp thuận, Nga sẽ hạn chế sự tham gia vào tổ chức này hoặc “ngừng tham gia hoàn toàn”.

Ngay từ cuối năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các nước phương Tây đã rời xa các nguyên tắc của WTO khi thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga. Người đứng đầu điện Kremlin nhấn mạnh các đối tác phương Tây đã không tính hết những hậu quả liên đới mà nền kinh tế thế giới phải gánh chịu từ cuộc chiến thương mại hiện nay.

Tổng thống Putin cho rằng, "trò chơi ném tuyết" gây hại cho cả bên bị trừng phạt lẫn bên trừng phạt. Đồng thời, các nước phương Tây đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO: quyền của các thành viên được tiếp cận bình đẳng và tự do đối với các thị trường hàng hoá và dịch vụ.

Đây không phải lần đầu tiên Nga muốn rút khỏi tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Tháng 7 năm ngoái, Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga đã khởi xướng dự thảo luật về khả năng rời khỏi WTO. Theo đánh giá, trong vòng 5 năm là thành viên của WTO, ngân sách quốc gia Nga đã bị mất 871 tỷ Rúp và lợi ích thì vẫn chưa thấy đâu. Dự báo thời gian tới cũng khá mù mịt. Đến năm 2020, sau 8 năm là thành viên WTO, Nga sẽ thiệt hại về kinh tế lên tới 12-14 nghìn tỷ Rúp, đồng thời mất hơn 1,9 triệu việc làm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế do nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Nga./.