Ông chủ của Amazon Jeff Bezos trở thành tỷ phú giàu nhất lịch sử

Nhà điều hành (CEO) hãng bán lẻ trực tuyến Amazon của Mỹ Jeff Bezos đã trở thành người giàu nhất thế giới, không chỉ trong năm 2017 mà trong lịch sử thế giới từ trước tới nay.

Ông Jeff Bezos đứng đầu danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới của cả hãng tin Bloomberg và tạp chí Forbes. Bloomberg ước tính giá trị tài sản ròng của ông chủ Amazon vào khoảng 106 tỷ USD trong khi Forbes xác định vào khoảng 105 tỷ USD. Phần lớn khối tài sản khổng lồ của ông Bezos đến từ 78,9 triệu cổ phiếu của Amazon mà doanh nhân này sở hữu.

Trong năm 2017, giá cổ phiếu của trang mạng bán hàng nổi tiếng này tăng vọt gần 57%. Theo thống kê của hãng phân tích Earnest Research, trang bán hàng có trụ sở tại Seattle này chiếm tới 89% lượng chi tiêu trên mạng đổ vào các hãng bán lẻ lớn trong 5 tuần đầu của Lễ Tạ ơn.

Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone xuống mức thấp nhất trong 9 năm

Theo các số liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 9/1, tỷ lệ thất nghiệp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực đang phục hồi mạnh mẽ.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone đã giảm xuống mức 8,7% trong tháng 11/2017, đúng như dự báo của các chuyên gia và thấp hơn mức 8,8% trong tháng 10/2017.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại toàn khu vực Liên minh châu Âu trong tháng 11/2017 là 7,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008.

Các số liệu tích cực trên được công bố sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo đang giảm bớt sự hỗ trợ quy mô lớn cho khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên này do nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và đang phục hồi tốt.

Tuy nhiên, ECB vẫn tỏ ra quan ngại về mức lạm phát thấp trong Eurozone, khi bức tranh việc làm tươi sáng đáng lẽ sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu và khiến hàng hóa tăng giá.

Canada khởi động tranh chấp thương mại với Mỹ lên WTO

Canada đã chính thức khởi động một cuộc tranh chấp thương mại lớn đối với Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối việc Washington đơn phương áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Canada.

Trong bộ hồ sơ kiện dày 32 trang đệ trình lên WTO đề ngày 20/12 và được công bố ngày 10/1, Canada cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và đã liệt kê hơn 100 hành động của phía Mỹ làm dẫn chứng giải thích cho cáo buộc của mình.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày 10/1 ở thủ đô Ottawa, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jim Carr bày tỏ “thất vọng sâu sắc” trước việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với giấy bột gỗ cơ học không tráng phủ (uncoated groundwood paper) của Canada.

Theo hai vị bộ trưởng, “bất kỳ loại thuế nào cũng sẽ gây tác động trực tiếp và tiêu cực đối với nền xuất bản báo chí Mỹ, nhất là ở các thành phố và thị trấn nhỏ, do hậu quả của tình trạng mất việc làm.”

Moody's lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ Latinh trong năm 2018

Hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s ngày 9/1 dự báo kinh tế Mỹ Latinh sẽ khởi sắc với mức tăng trưởng trung bình 2,7% năm nay, cao hơn các mức của năm 2017 và năm 2016 lần lượt là 1,9% và 1,6%.

Theo Moody's, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 nhờ điều kiện bên ngoài thuận lợi thúc đẩy, đặc biệt do tác động từ sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trợ lý Phó Chủ tịch Moody’s. Ariance Ortiz Bollin cảnh báo khả năng khu vực này sẽ phải đối mặt thách thức về sự gia tăng nợ công của nhiều nước. Chuyên gia của Moody's bày tỏ hy vọng các ngân hàng trung ương ở Mỹ Latinh sẽ duy trì chính sách tiền tệ mở rộng trong bối cảnh áp lực về tỷ lệ lạm phát cao vẫn còn tồn tại ở phần lớn quốc gia tại khu vực này.

Ngoài ra, Moody's cảnh báo yếu tố chính trị có thể tạo biến động lớn tại Mỹ Latinh trong năm nay, do ảnh hưởng từ các cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra tại Colombia, Mexico và Brazil./.