WEF cảnh báo gia tăng các rủi ro kinh tế trong năm 2018

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2018 được WEF công bố ngày 17/1 nêu rõ triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2018 mang lại cho các nhà lãnh đạo cơ hội vàng để giải quyết các vấn đề yếu kém trong nhiều hệ thống nền tảng của thế giới như xã hội, nền kinh tế, các quan hệ quốc tế và môi trường.

Báo cáo trên cũng cảnh báo thế giới đang phải gồng mình để theo kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng, đồng thời chỉ rõ nhiều lĩnh vực mà nhân loại đang đẩy hệ thống nền tảng tới bờ vực, từ thiệt hại do đa dạng sinh học bị hủy diệt đến những mối lo ngại không ngừng gia tăng nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tranh mới.

Báo cáo của WEF đã trích dẫn Khảo sát đánh giá rủi ro toàn cầu (GRPS) lấy ý kiến của 1.000 chuyên gia, trong đó nêu rõ 59% số người được hỏi cho rằng các rủi ro gia tăng trong năm 2018 và 7% có quan điểm ngược lại.

Nga thành lập ngân hàng nhà nước phục vụ ngành quốc phòng

Ngày 18/1, Nga thông báo thành lập một ngân hàng nhà nước có nhiệm vụ cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vốn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Nga cho biết ngân hàng này sẽ chuyên thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan tới các đơn đặt hàng trong lĩnh vực quốc phòng cũng như các hợp đồng lớn của nhà nước.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Nga tiết lộ ngân hàng này có thể được thành lập dựa trên nền tảng một ngân hàng tầm trung đang hoạt động.

Việc thành lập một ngân hàng như vậy được cho là biện pháp bảo vệ các chủ cho vay khác của Nga trong bối cảnh các tổ hợp quân sự và công nghiệp của Nga nằm trong diện bị trừng phạt của Mỹ do có liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.

Trung Quốc: Nợ của các địa phương tăng mạnh trong năm 2017

Mức tăng trưởng nợ của các địa phương ở Trung Quốc trong năm 2017 là 7,5%, xấp xỉ gấp đôi mức tăng của năm 2016, cho dù Bắc Kinh cam kết kiểm soát gánh nợ quốc gia - nguồn cơn của những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Nợ của các địa phương ở Trung Quốc trong năm 2017 là 16.470 tỷ nhân dân tệ (2.560 tỷ USD), vẫn thấp hơn mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là dưới 18.820 tỷ nhân dân tệ.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nợ của Trung Quốc đã “phi mã”. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức nợ này đã tăng lên tương đương 234% GDP trong năm 2016.

Tỷ lệ thất nghiệp quý 4/2017 ở Hong Kong thấp kỷ lục

Chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 18/1 cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong quý ​4/2017 vừa qua giảm xuống dưới 3%, mức thấp nhất trong gần 20 năm qua.

Theo số liệu thống kê mới nhất của chính quyền Hong Kong, tỷ lệ thất nghiệp sau khi được điều chỉnh theo mùa vụ trong quý 4 vừa qua đã giảm từ mức 3% của quý ​3/2017 xuống còn 2,9%.

So với quý trước đó, tổng số người lao động ở Hong Kong trong quý 4/2017 tăng thêm khoảng 10.300, lên 3.850.600 người, trong khi số lao động thất nghiệp giảm chừng 8.000 xuống 109.800 người.

Tỷ lệ thất nghiệp tại đặc khu hành chính này giảm nhờ những yếu tố quan trọng như việc kinh tế Hong Kong tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu thị trường bên ngoài vẫn tốt với sự hỗ trợ từ môi trường kinh tế toàn cầu tốt lành./.