Nga công bố dự thảo luật quản lý các giao dịch tiền ảo

Nga đang tiến tới quản lý các đồng tiền ảo khi Bộ Tài chính nước này ngày 25/1 công bố một dự thảo luật nhằm quản lý các giao dịch tiền ảo, nhưng không cấm hoàn toàn như tuyên bố trước đó.

Dự luật trên, còn cần được chính phủ thông qua và trình lên Quốc hội, nhằm đưa ra khái niệm về các công nghệ số được sử dụng trong lĩnh vực tài chính.

Theo Bộ Tài chính, dự luật sẽ cho phép giao dịch tiền ảo thông qua các sàn giao dịch đáp ứng các điều kiện nhất định, từ đó giảm đáng kể rủi ro gian lận và giúp tạo ra một cơ sở thuế minh bạch cho các hoạt động giao dịch tiền ảo, từ đó làm tăng nguồn thu thuế.

Bộ này cho rằng, với sự phổ biến của các đồng tiền ảo, một cách tiếp cận quá "khắt khe" có thể khuyến khích hoạt động của chợ đen và việc tài trợ cho khủng bố.

Dự thảo luật cũng đề ra các quy định đối với các doanh nghiệp huy động vốn bằng đồng tiền ảo, bao gồm hoạt động phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) mà mới đây cũng đã được các nhà chức trách để mắt tới.

Fed có chủ tịch mới

Ngày 23/1, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn quyết định bổ nhiệm ông Jerome Powell giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thượng viện Mỹ thông qua quyết định trên với 85 phiếu thuận và 12 phiếu chống.

Ông Powell, sự lựa chọn của Tổng thống Donald Trump, sẽ trở thành người có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Powell sẽ thay thế Chủ tịch Fed hiện tại là bà Janet Yellen, sau khi bà Yellen rời cương vị này vào tháng tới.

Giới hoạch định chính sách và thị trường tài chính coi ông Powell là một sự lựa chọn an toàn của Tổng thống Trump bởi ông này được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hiện tại của Mỹ.

Hội nghị WEF 2018 tại Thụy Sĩ

Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã diễn ra từ ngày 23 đến 26/1 tại Davos-Klosters (Thụy Sĩ). Sự kiện quy tụ một số lượng kỷ lục các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, các học giả, nghệ sỹ và giới truyền thông.

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt,” hội nghị là cơ hội để các đại biểu tham dự tìm kiếm cách thức tái khẳng định hợp tác quốc tế vì những lợi ích chung quan trọng như an ninh quốc tế, môi trường và kinh tế toàn cầu.

Với hơn 400 phiên họp, chương trình của diễn đàn tập trung vào 4 lĩnh vực: thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, vấn đề lãnh đạo trong một thế giới đa cực và đa khái niệm, vượt qua những chia rẽ trong xã hội và tạo dựng phương thức quản trị phù hợp với sự phát triển công nghệ.

Fitch giữ nguyên mức xếp hạng nợ công ổn định của Pháp

Trong tuyên bố ngày 26/1, Fitch ghi nhận các khoản thâm hụt ngân sách dai dẳng của Pháp đồng nghĩa tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới đây và có thể lên tới mức cao nhất 97% vào năm 2019, so với mức trung bình 42% của các nền kinh tế được xếp hạng "AA".

Fitch cảnh báo gánh nặng nợ công cao hạn chế khả năng của Pháp ứng phó với các "cú sốc" trong tương lai.

Tuy nhiên, Fitch đánh giá chiến lược quản lý nợ khéo léo giúp Pháp giảm thiểu các nguy cơ phát sinh từ tình trạng nợ công cao, đồng thời đánh giá chương trình cải cách đầy tham vọng của Tổng thống Emmanuel Macron là một yếu tố duy trì đà tăng trưởng kinh tế ổn định tại Pháp.

Do đó, Fitch tiếp tục giữ nguyên dự báo tỷ lệ nợ công của Pháp ở mức ổn định, đồng nghĩa không nhận thấy bất kỳ sự phát triển vượt bậc nào có thể tạo sự thay đổi lớn trong tương lai tại quốc gia Tây Âu này./.