Không có bữa trưa nào miễn phí

Nếu có một thứ mà giới lãnh đạo Trung Quốc thực sự vượt trội thì đó chính là việc sử dụng công cụ kinh tế để gia tăng lợi ích địa chính trị của đất nước mình. Thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD, Trung Quốc tiến hành hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở vật chất hạ tầng ở những nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược, thường là bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ cho chính phủ các nước này. Từ đó, các nước ngày càng sa vào bẫy nợ khiến họ trở nên dễ bị chi phối trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

Việc cho vay để xây dựng các dự án cơ sở vật chất hạ tầng là không xấu, nhưng các dự án mà Trung Quốc đang hỗ trợ thường không nhằm hướng đến hỗ trợ nền kinh tế địa phương, mà nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tiếp cận dễ hơn với các tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí còn đưa công nhân xây dựng của mình đến làm việc, dẫn tới thu hẹp lượng công ăn việc làm được tạo ra cho người bản địa.

Sri Lanka là một minh chứng điển hình. Tháng 12/2017, Chính phủ Sri Lanka phải cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota trên bờ Ấn Độ Dương 99 năm để ''cấn trừ'' bớt khoản nợ 7 tỷ USD mà nước này đã vay.

Một góc hải cảng Hambantota

Sau khi thuê được cảng Hambantota, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp lớn ở bên cạnh, tạo thành một ''bàn đạp'' chính trong chương trình Con đường tơ lụa trên biển vươn tới châu Phi và châu Âu.

Câu chuyện Hambantota ở Sri Lanka được nói tới nhiều như một bài học về hậu quả nợ nần sinh ra từ việc vay vốn của Trung Quốc. Nó đồng thời minh họa cho một chiến lược mới của Trung Quốc: cho các quốc gia nghèo vay những khoản nợ lớn theo những điều kiện có lợi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Không chỉ vậy, một số nước – do nợ quá nhiều tiền của Trung Quốc – đang bị buộc phải bán cho Trung Quốc cổ phần trong các dự án do nước này tài trợ vốn hoặc chuyển giao quyền quản lý các dự án cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Tại những nước rủi ro về tài chính, Trung Quốc giờ đây còn đòi được sở hữu đa số cổ phần trong các dự án ngay ở giai đoạn đầu. Ví dụ, mới đây, Trung Quốc đã đạt một thỏa thuận với Nepal về việc xây dựng thêm một con đập khác thuộc sở hữu chủ yếu của Trung Quốc, trong đó Tập đoàn Tam Hiệp (China Three Gorges Corporation) của nước này nắm giữ 75% cổ phần.

Như thể chưa đủ, Trung Quốc còn đang rắp tâm muốn làm cho các nước này “chạy trời không khỏi nợ”. Để đổi lại việc giãn nợ, Trung Quốc đang đòi các nước vay nợ giao thầu thêm cho mình các dự án khác, như thế cuộc khủng hoảng nợ ở các nước này cứ kéo dài không bao giờ hết. Tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã xóa khoản nợ trị giá 90 triệu USD cho Campuchia, mục đích chỉ để giành được thêm các hợp đồng lớn khác.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Một số nước đang phát triển đã bắt đầu hối tiếc vì đã quyết định vay vốn Trung Quốc. Nhiều vụ phản đối đã nổ ra liên quan đến tình trạng thất nghiệp trên diện rộng mà nguyên nhân được cho là việc Trung Quốc bán phá giá hàng hóa, giết chết sản xuất trong nước hay tệ hơn là việc Trung Quốc gửi sang quá nhiều công nhân để làm việc trong các dự án của mình.

Gần đây, Pakistan đã rút khỏi dự án đập Diamer-Bhasha, một dự án lớn của CPEC thuộc khuôn khổ Vành đai và Con đường. Đồng thời, ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan Phát triển Nguồn nước và Năng lượng của Pakistan tuyên bố: "Điều kiện để Trung Quốc đầu tư xây dựng đập Diamer-Bhasha là không thể thực hiện được và hoàn toàn đi ngược lại với những lợi ích của chúng tôi".

Tiếp bước Pakistan, Nepal cũng hủy bỏ dự án nhà máy thủy điện Budhi Gandaki trị giá 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Gezhouba, Trung Quốc, do những điểm "bất thường" trong quá trình đấu thầu. Dự án này cũng nằm trong khuôn khổ kế hoạch Vành đai và Con đường.

Những động thái này cho thấy, một số các quốc gia đã "thức tỉnh" và nhận ra thực tế rằng những điều kiện hợp tác với Trung Quốc cần được xem xét kĩ càng hơn, nếu họ không muốn rơi vào tình trạng tương tự như Sri Lanka.

Nhìn lại các sự việc, thì ý đồ của Trung Quốc có vẻ rất rõ ràng và dễ nhận ra. Nhưng việc nhiều nước đang phát triển chấp nhận vay vốn Trung Quốc là có thể hiểu được, dù theo cách này hay cách khác. Không thu hút được các nhà đầu tư tổ chức, các nước này có nhu cầu rất lớn về hạ tầng chưa được đáp ứng. Thế nên, khi Trung Quốc xuất hiện và hứa hẹn những khoản đầu tư rộng rãi cùng điều kiện tín dụng dễ dàng, tất thảy đều nhắm mắt đưa chân. Chỉ đến sau này thì mục tiêu thực sự của Trung Quốc lộ rõ là thâm nhập thương mại và lợi dụng về chiến lược; nhưng lúc đó thì đã quá muộn, và các nước vay nợ đã rơi vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát.

Nhóm chuyên gia thuộc Phòng Nghiên cứu dữ liệu AidData của Đại học William & Mary (Mỹ) phối hợp với 2 trường đại học Harvard (Mỹ) và Heidelberg (Đức) mới đây đã sử dụng số liệu từ 15.000 nguồn tin bao gồm báo đài, tài liệu đại sứ quán và báo cáo nhận viện trợ của nhiều quốc gia nhằm lý giải dòng tiền của Trung Quốc đi về đâu và sức ảnh hưởng của nó.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, trong giai đoạn 2000-2014, Trung Quốc ước tính chi 362 tỷ USD cho 5.000 dự án tại 140 quốc gia. Đa phần số tiền viện trợ được gửi đến châu Phi và số còn lại là những quốc gia gần Trung Quốc như Bangladesh, Campuchia, Kyrgyzstan, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Vào năm 2014, quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất là Nga (36,6 tỷ USD), đa phần nhằm hỗ trợ ngành dầu khí, theo AidData.

Trưởng nhóm nhiên cứu Bradley Parks, Giám đốc AidData, cho biết: “Nhìn chung, số tiền viện trợ Trung Quốc rót ra nước ngoài gần xấp xỉ Mỹ. Trong cùng giai đoạn 2000-2014, Mỹ chi 399 tỷ USD, đa phần đến những quốc gia châu Phi hoặc gần Trung Quốc. Tuy nhiên, hình thức viện trợ hoàn toàn khác nhau”.

Tiến sĩ Parks lưu ý, 79% viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại, theo đó Bắc Kinh kỳ vọng phải được trả bằng lãi suất theo thị trường. Trong khi đó, chỉ có 7% viện trợ Mỹ theo dạng này và 93% còn lại là Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với lãi suất thấp cùng thời hạn thanh toán kéo dài.

Trung Quốc ngoài mặt tuyên bố viện trợ phát triển song thực chất không phải là hình thức ODA mà chủ yếu cho vay lấy lãi, nhằm thâm nhập thị trường, mở rộng sức ảnh hưởng và quảng bá văn hóa nước này ra khắp nơi. Một ví dụ điển hình là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Tập đoàn Petroecuador (Ecuador) vay 1 tỷ USD trong một dự án được gọi là ODA, nhưng thực chất là để đổi lấy thỏa thuận dầu mỏ giữa hai bên với nhiều điều khoản chỉ có lợi cho Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc còn viện trợ cho Jamaica 230 triệu USD vào năm 2013 với điều kiện sẽ xây dựng Vườn Trung Hoa để quảng bá văn hóa và du lịch.

Về khía cạnh chính trị, nhiều ý kiến từ phương Tây vẫn nghi ngờ rằng mục đích chính của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Luật sư Hilary Lau thuộc Công ty luật Herbert Smith Freehills nhận định. “Các vụ thâu tóm này cũng được hậu thuẫn bởi chính sách. Tiền vốn được cấp bởi các ngân hàng Trung Quốc và các quỹ quốc gia”.

Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vietnambiz.vn/my-muon-chan-con-duong-to-lua-cua-trung-quoc-40968.html

http://www.thesaigontimes.vn/268237/Chien-luoc-ngoai-giao-bay-no-cua-Trung-Quoc.html

http://nghiencuuquocte.org/2017/03/09/chien-luoc-ngoai-giao-bay-no-cua-trung-quoc/

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chuyen-gia-suc-ep-tu-bay-no-cua-trung-quoc-3351914/