Iran ban hành chính sách cấm sử dụng USD trong lệnh nhập khẩu

Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại của Iran đã ban hành chính sách mới, theo đó kể từ ngày 1/3, toàn bộ các giao dịch của Iran bị cấm ghi lệnh nhập khẩu bằng đồng USD, song không áp dụng với các lệnh nhập được ghi sổ trước thời điểm nêu trên.

Chính sách này phù hợp với một đề nghị chính thức của Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) nhằm đối phó tình trạng lên xuống thất thường của đồng USD. Người phụ trách các quy định và chính sách ngoại hối của CBI, Mehdi Kasraeipour cho biết động thái trên sẽ không đặt ra vấn đề gì đối với các thương gia.

Theo ông Kassraeipour, vấn đề là USD được sử dụng rất ít trong các hoạt động thương mại ở Iran bởi từ lâu lĩnh vực ngân hàng của Iran không sử dụng đồng USD do lệnh cấm vận của Mỹ.

Hạ viện Nhật Bản thông qua mức ngân sách kỷ lục cho tài khóa 2018

Hạ viện Nhật Bản ngày 28/2 đã thông qua ngân sách ở mức kỷ lục là 97.710 tỷ Yen (khoảng 912 tỷ USD) cho tài khóa 2018 nhằm đảm bảo ngân sách này được ban hành trước khi tài khóa mới bắt đầu vào ngày 1/4/2018.

Trong số trên, 32.970 tỷ Yen (chiếm 1/3 trong khoản ngân sách này) được dành cho chi tiêu vào an sinh xã hội trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng lão hóa; 5.190 tỷ Yen dành cho chi tiêu quốc phòng nhằm tăng khả năng đối phó trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Đây là khoản ngân sách cao kỷ lục trong năm thứ 6 liên tiếp mặc dù Nhật Bản cần khôi phục hoạt động tài chính vốn được đánh giá là yếu nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Brazil mở kênh tín dụng 13 tỷ USD cho kế hoạch đảm bảo an ninh

Ngày 2/3, Tổng thống Brazil Michel Temer thông báo sẽ mở một kênh tín dụng trị giá 42 tỷ real, tương đương 14 tỷ USD để chi cho kế hoạch đảm bảo an ninh tại nước này.

Chương trình sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội (BNDES) trong vòng 5 năm, nhằm cung cấp khoản vay cho các bang có nhu cầu sử dụng.

Quyết định của Tổng thống Temer được đưa ra sau hai tuần khi hàng nghìn binh lính đã được triển khai đến thành phố Rio de Janeiro để hỗ trợ cảnh sát trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức. Theo số liệu thống kê, khoảng 8.500 binh sỹ đang giúp đỡ cảnh sát bang này trong hoạt động trên.

Chính phủ Anh đưa ra 5 nguyên tắc cho đàm phán Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi thiết lập mối quan hệ đối tác gắn bó với Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit, đồng thời đề ra các tham vọng về một thỏa thuận chi tiết liên quan đến sự phân xử độc lập và các nội dung mới về quy định pháp lý và dịch vụ tài chính.

Phát biểu trước các đại sứ và lãnh đạo doanh nghiệp Anh tại tòa nhà Mansion House, trụ sở của khu tài chính London, ngày 2/3, Thủ tướng May nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào giữa Anh và EU liên quan đến Brexit đều cần thỏa mãn 5 "phép thử" hay còn gọi là 5 nguyên tắc cơ bản mà Chính phủ Anh định hướng cho quan hệ thương mại mới với EU.

Thứ nhất, cần phải có những cam kết ràng buộc và có đi có lại, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh mở và công bằng. Thứ hai, cần có cơ chế trọng tài hoạt động hoàn toàn độc lập. Thứ ba, duy trì đối thoại và tham vấn thường xuyên. Thứ tư, hai bên cần đạt được một thỏa thuận về bảo vệ dữ liệu. Nguyên tắc cuối cùng là Anh và EU cần duy trì mối liên hệ giữa người dân.

ASEAN-EU sẽ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do vào cuối 2018

Các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmström ngày 2/3 đã đạt được thỏa thuận sẽ chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-EU vào cuối năm 2018 để hiệp định này có thể sớm có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội nghị Tham vấn giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Ủy viên Thương mại EU lần thứ 16 bên lề Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 24, bà Malmström nhấn mạnh hai bên sẽ sớm tiến hành các bước tiếp theo để có thể tiến tới những bước cuối cùng cho việc phê chuẩn hiệp định quan trọng này, đồng thời khẳng định điều này sẽ mở ra một hướng phát triển mới trong quan hệ giữa EU và ASEAN.

Ấn Độ giành lại ngôi vị nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất

Ấn Độ đã giành lại ngôi vị nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong quý 4/2017, lần đầu vượt qua Trung Quốc trong một năm qua, nhờ chi tiêu chính phủ, sản xuất và dịch vụ đều khởi sắc.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Thống kê Ấn Độ được công bố ngày 28/2, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã tăng trưởng 7,2% trong giai đoạn từ tháng 10-12/2017, vượt qua mức tăng 6,8% của Trung Quốc và cao hơn cả dự đoán 6,9% do giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.

Ấn Độ cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP trong tài khóa 2017/18 ( từ 1/4/2017-31/3/2018) từ 6,5% lên 6,6%./