Gần một nửa số nợ là từ Trung Quốc

Trong một báo cáo tài chính được công bố tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nợ trên toàn cầu đang ở mức cao chưa từng có.

Theo IMF, nợ vào cuối năm 2016 đã lên tới 164.000 tỷ USD, tương đương 225% GDP toàn cầu. Và khi lạm phát dưới kỳ vọng và tăng trưởng lương thấp, nợ danh nghĩa tăng của cả cá nhân và quốc gia là điều đáng lo ngại bởi con số nợ thực tế tiếp tục tăng.

IMF cũng cho biết, Trung Quốc đóng góp nhiều vào mức tăng này, song tất cả các nước phát triển, các nước mới nổi và các nước có thu nhập thấp đều có tỷ lệ nợ rất cao.

Cụ thể, Trung Quốc - nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất - chiếm tới hơn 40% mức tăng của nợ toàn cầu kể từ năm 2007. Mức nợ chung của các thị trường mới nổi hiện giờ là 50% GDP - mức cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Nợ của các nước nghèo nhất thế giới hầu hết đã được xóa theo Thỏa thuận Gleneagles năm 2005, song IMF cho biết, tỷ lệ nợ/GDP của các nước này vẫn có xu hướng tăng và hiện ở mức trên 40% GDP.

Ông Vítor Gaspar, Giám đốc mảng tài khóa của IMF đánh giá, sau khi xóa nợ (năm 2005), tỷ lệ nợ ở các nước nghèo nhất đã tăng lên đáng kể. Chỉ trong 5 năm qua, tỷ lệ nợ/GDP của các nước này đã tăng tới 13 điểm phần trăm.

IMF cũng chỉ trích Mỹ rằng, những kích thích tài chính của Tổng thống Donald Trump (gói cắt giảm thuế và tăng chi tiêu) đã làm cho thâm hụt ngân sách của nước này tăng nhanh trong bối cảnh lẽ ra phải giảm thâm hụt.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,9% trong năm nay và năm 2019, song IMF cũng nhận định, mức tăng trưởng khả quan sẽ không kéo dài và những nước giảm thâm hụt ngân sách ngay từ bây giờ sẽ an toàn hơn khi tình hình trở nên xấu đi.

Chưa quá đáng lo

Tuy nhiên, có những lý do cho thấy nợ lớn chưa chắc đã là một mối lo ngại lớn.

Thứ nhất, việc tăng vay mượn để phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng tài chính đúng là điều mà IMF và các cơ quan tài chính toàn cầu mong muốn. Lãi suất được hạ xuống mức 0% trong một thập niên, các ngân hàng trung ương đã bơm 10.000 tỷ USD thông qua chương trình nới lỏng định lượng vào hệ thống tài chính toàn cầu và các chính phủ đã tung ra chương trình kích thích sau nhiều thập niên.

Nhờ đó, hệ thống tài chính toàn cầu đã vững vàng hơn so với năm 2007, kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011 và lạm phát vẫn thấp.

Trong vài năm sau năm 2008, nhu cầu tín dụng thấp là mối lo ngại lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách. Do vậy, nhu cầu đi vay tăng cho thấy sự gia tăng lòng tin của các cá nhân và doanh nghiệp.

Thứ hai, việc nợ tăng bản thân nó cũng không phải là điều tồi tệ. Các doanh nghiệp và các chính phủ cần đi vay để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo ông Charlie Robertson (Ngân hàng Renaissance Capital), hầu hết số nợ gia tăng là trong lĩnh vực công và việc các chính phủ vay nhiều hơn khi lãi suất ở mức thấp nhất trong một thế kỷ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Các nước đi vay bằng đồng nội tệ tránh được rủi ro tỷ giá và lạm phát dưới tác động bên ngoài.

Nhật Bản lâu nay là nước có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất thế giới, nhưng lãi suất trái phiếu lại thấp nhất thế giới. Thậm chí, Italy, dù gánh số nợ lớn thứ hai thế giới, lại được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, câu chuyện của các nước mới nổi lại khác. Các nước này thường đi vay bằng đồng USD nên thường chịu những tác động từ biến động tỷ giá, lãi suất cho vay và lãi suất trái phiếu của Mỹ.

Thứ ba, nợ tăng trong thập niên qua chủ yếu ở các thị trường mới nổi. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 43% mức gia tăng nợ trên toàn cầu kể từ năm 2007, với 21.000 tỷ USD.

Trong trường hợp Trung Quốc, tăng trưởng nợ trong lĩnh vực tư đang là một rủi ro gia tăng với các nhà đầu tư. Điều gây lo ngại là bong bóng vỡ và sẽ tác động đến các nước khác. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi trong những năm gần đây vẫn chưa xảy ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, dự trữ ngoại hối trên 3.000 tỷ USD của Trung Quốc là đủ lớn để đảm bảo rằng nợ trong lĩnh vực tư chỉ là mối đe dọa nhỏ đến nền kinh tế. Vào cuối năm 2007, dự trữ ngoại hối của toàn cầu ở mức 6.700 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tại các ngân hàng trung ương hiện ở mức trên 11.000 tỷ USD, chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi, là khoản dự phòng tương đối lớn.

Cuối cùng, lãi suất cho vay và lãi suất trái phiếu trên toàn cầu có thể không tăng thêm nhiều từ các mức hiện nay. Tăng trưởng kinh tế dài kỷ lục của Mỹ có thể không bứt lên mạnh và các hoạt động của thị trường tiền tệ cùng với các đường cong hoán đổi cho thấy các nhà đầu tư nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2020.

Đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ là thẳng nhất trong hơn một thập niên, củng cố nhận định về khả năng tăng trưởng chậm lại sắp tới. Lịch sử cho thấy đường cong đảo ngược sẽ báo trước một cuộc suy thoái.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ ở mức dưới 3% trong bảy năm. Dù lãi suất có thể vượt mức này bất kỳ lúc nào, không có nhiều khả năng cho thấy sẽ có sự bứt phá mạnh.

Trong bối cảnh đó, IMF khuyến nghị: “Cần hành động quyết liệt ngay từ bây giờ để tăng cường các đệm tài chính, đồng thời tận dụng đầy đủ những lợi thế của chu kỳ đi lên trong hoạt động kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng, việc tạo dựng vốn đệm ngay bây giờ sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế, qua việc tạo dư địa cho chính sách tài khóa để hỗ trợ khi kinh tế suy giảm, cũng như làm giảm rủi ro tài chính nếu điều kiện tài chính toàn cầu bất ngờ thắt chặt”./.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://vneconomy.vn/the-gioi-dang-no-nhieu-chua-tung-thay-20180411212604577.htm

http://enternews.vn/imf-canh-bao-no-toan-cau-dang-o-muc-cao-ki-luc-127958.html

http://baodautu.vn/imf-no-toan-cau-dang-qua-cao-cac-nen-kinh-te-de-bi-ton-thuong-d80337.html

https://www.vietnamplus.vn/imf-thong-bao-no-tren-toan-cau-o-muc-cao-chua-tung-thay/498457.vnp