Kinh tế ASEAN+3 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định

Ngày 3/5, Cơ quan nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) được dự báo đạt 5,4% trong năm nay chủ yếu nhờ sự gia tăng nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu trong khi lạm phát ổn định.

Theo báo cáo mang tên "Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2018," với nhu cầu bên ngoài được cải thiện, tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự báo sẽ lần lượt đạt 5,4% và 5,2% trong năm nay và năm 2019. Riêng trong năm nay, Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo khu vực này vẫn cần cảnh giác với những nguy cơ bên ngoài trong ngắn hạn xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và việc siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.

Chính phủ Venezuela sẽ mở các điểm đổi tiền trên cả nước

Chính phủ Venezuela ngày 2/5 đã "bật đèn xanh" cho việc mở các điểm đổi tiền tại các đặc khu kinh tế, sân bay, khách sạn, trung tâm du lịch trên cả nước. Động thái này là nhằm ngăn chặn những nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng “tiền bẩn” gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng lên kế hoạch sớm công bố thêm thông tin liên quan đến các ngân hàng được phép điều hành các điểm đổi tiền. Trong 15 năm qua, Venezuela vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động đổi tiền. Theo hệ thống giao dịch tiền tệ Dicom, các cá nhân chỉ được đổi 1.680 Euro (2.010 USD)/năm.

EC nêu đề xuất mở rộng ngân sách chung của khối hậu Brexit

Ngày 2/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker, đã nêu đề xuất về ngân sách chung của Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn 2021-2027 - thời điểm sau khi Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" hay còn gọi là Brexit, theo đó mở rộng ngân sách của khối lên 1.279 tỷ Euro trong 7 năm từ 2021-2027.

Lý giải về đề xuất này, người đứng đầu EC khẳng định việc mở rộng ngân sách của khối là cần thiết và đây là một chủ trương thực dụng để hỗ trợ nhiều hơn các các dự án nghiên cứu, công nghệ, hỗ trợ nước ngoài, bình ổn khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro, bồi thường cho những người bị mất việc làm từ cơ chế mở cửa thị trường...

EC cũng hối thúc 27 nước thành viên còn lại của EU bù đắp khoản ngân sách 10 tỷ Euro (12 tỷ USD) thiếu hụt sau khi Anh ngừng đóng góp đến hết năm 2020 như cam kết.

Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm lần đầu tiên trong 7 tháng

Theo báo cáo công bố ngày 3/5 của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Ba đã giảm lần đầu tiên trong 7 tháng qua nhờ kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục mới.

Việc tăng xuất khẩu dầu mỏ và các mặt hàng nông nghiệp trong khi giảm mạnh nhập khẩu đã giúp thâm hụt thương mại tháng Ba của Mỹ giảm xuống 49 tỷ USD, tương đương giảm 15,2% so với tháng trước đó. Đây là mức giảm cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua.

Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm sau khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi hai cuộc đối đầu thương mại với cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong thời gian qua, trong đó có nhiều biện pháp tăng thuế nhập khẩu mạnh nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp sản xuất trong nước.

Khởi công dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 tại Đức

Hãng Thông tấn Đức DPA ngày 3/5 đưa tin công việc chuẩn bị xây dựng trạm tiếp nhận đường ống dẫn khí đốt mới Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 đã được bắt đầu tại thành phố Lubmin thuộc bang Merklenburg-Vorpommern, miền Đông Bắc nước Đức.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn DPA, đại diện nhà vận hành đường ống dẫn khí đốt này cho biết họ đang tuân thủ và thực hiện công việc theo đúng kế hoạch.

Trước đó, đầu năm 2018, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã nhận được tất cả các giấy phép xây dựng cần thiết từ các cơ quan giám sát của Đức. /.