Thỏa thuận hạt nhân Iran là gì?

Vào tháng 7/2015, Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đã ký vào một thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Thỏa thuận chấm dứt 12 năm bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran. JCPOA về cơ bản buộc Iran phải minh bạch và giảm việc làm giàu uranium - công đoạn quan trọng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Tehran có thể được tháo gỡ cấm vận. Tùy theo sự cam kết của Iran, mức độ tháo gỡ cấm vận sẽ song hành dần dần trong thời gian 10 năm từ năm 2015 tới 2025.

Theo thỏa thuận, Iran đã vô hiệu hóa 2/3 số lượng máy ly tâm hạt nhân của mình, chuyển đi 98% lượng uranium làm giàu và lấp bêtông các lò phản ứng plutonium.

Tehran cũng chấp nhận cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát, và tới nay đã xác minh 10 lần về cam kết của họ đối với thỏa thuận.

Tuyên bố cứng rắn của Mỹ

Trong bài phát biểu vào chiều 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Iran đang tiếp tục hỗ trợ khủng bố, kích động bạo lực trên khắp khu vực Trung Đông và nguy hiểm nhất là nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Ông Trump cho rằng, thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 dưới thời chính quyền Tổng thống Obama là một thảm họa, không mang lại hiệu quả thực sự, không mang lại hòa bình cũng như ổn định cho khu vực. Việc Mỹ đồng ý theo đuổi thỏa thuận trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông. Chính vì thế, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

“Hôm nay, tôi tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngay sau đây, tôi sẽ ký bản ghi nhớ để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Chúng tôi sẽ thực hiện trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất”, Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận mới khi liên hệ với các tiến bộ trong tiến trình giải quyết căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên: “Mặc dù chúng tôi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh hướng tới một thỏa thuận thực sự, toàn diện và giải quyết thấu đáo mối đe dọa hạt nhân của Iran. Thỏa thuận này sẽ bao gồm các nỗ lực xóa bỏ mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo, chấm dứt các hoạt động khủng bố, ngăn chặn các hoạt động quấy rối của Iran tại Trung Đông”.

Về mặt lợi, việc Mỹ hủy cam kết JCPOA giúp Washington làm hài lòng hai trong số các đồng minh, đối tác quan trọng nhất ở Trung Đông: Saudi Arabia và Israel. Bản thân hai nước này xem Iran là đối thủ, và vừa qua không ngạc nhiên khi ủng hộ quyết định của ông Trump.

Về mặt hại, cũng như các lần rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, ông Trump bị cho làm yếu những nỗ lực đa phương của chính quyền tiền nhiệm.

Việc hủy cam kết này cũng khiến mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Trump với các đồng minh châu Âu sứt mẻ ít nhiều. Và về mặt "lãnh đạo toàn cầu", khi Mỹ rút khỏi các hiệp định đa phương cũng là lúc Nga hoặc Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ này để tạo dựng thanh thế.

Quyết định “mất phương hướng”

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, cựu Tổng thống Barack Obama lên tiếng chỉ trích người kế nhiệm, mô tả quyết định của Trump là "mất phương hướng".

"Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Việc liên tục coi thường thỏa thuận mà Mỹ tham gia có nguy cơ làm tổn hại uy tín của chúng ta, cũng như đẩy nước Mỹ vào thế đối đầu với các cường quốc khác", ông Obama nghi ngại.

Phản ứng về quyết định của Tổng thống Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Iran sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận mà không cần Mỹ. Trong khi đó, truyền thông quốc gia Iran chỉ trích quyết định của ông Trump là "bất hợp pháp và hủy hoại các thỏa thuận quốc tế".

Về phía Nga, Moscow tỏ ra "vô cùng thất vọng" với quyết định của Washington. "Mỹ một lần nữa hành động trái với quan điểm của hầu hết các nước trong khi theo đuổi những lợi ích riêng, ích kỷ và nhất thời", Bộ Ngoại giao Nga nói.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là "vi phạm luật pháp quốc tế".

Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp, Anh và Đức “lấy làm tiếc” về quyết định của Tổng thống Trump và gọi đây là "mối đe dọa đối với nỗ lực toàn cầu kiềm chế vũ khí hạt nhân". Ông Macron đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May về những bước kế tiếp sau quyết định của ông Trump.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cho rằng, thỏa thuận hạt nhân 2015 là phương cách tốt nhất để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini, đánh giá thỏa thuận này là "trụ cột an ninh quốc tế", do vậy, bà kêu gọi các bên tham gia nên tôn trọng thỏa thuận.

Giới quan sát nhận định, quyết định của Tổng thống Trump có thể làm phức tạp hơn xung đột ở Trung Đông, khiến giá dầu bất ổn và cản trở hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến vào tháng tới./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://www.reuters.com/article/us-iran-nuclear/trump-ignores-european-pleas-and-abandons-defective-iran-nuclear-deal-idUSKBN1I90D6

https://www.reuters.com/article/us-global-oil/oil-jumps-after-u-s-abandons-iran-deal-plans-highest-level-sanctions-idUSKBN1IA027?il=0

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trump-tuyen-bo-rut-my-khoi-thoa-thuan-hat-nhan-iran-3746921.html