Ngân hàng trung ương Anh giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5%

Khép lại cuộc họp chính sách ngày 10/5, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5%, với đa số thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) nhận định hiện chưa phải thời điểm thích hợp để tăng lãi suất, thay vào đó BoE cần thêm thời gian để đánh giá về tăng trưởng kinh tế nước này sau quý đầu năm tăng trưởng yếu.

Trong bối cảnh lạm phát dự báo trở lại ngưỡng mục tiêu 2% trong vòng hai năm, BoE đưa ra quan điểm đồng tình với các thị trường tài chính rằng lãi suất sẽ dần tăng lên mức 1,25% vào giữa năm 2021.

Giới quan sát cho rằng những nhận định trên mở ra khả năng BoE sẽ ra quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp tháng Tám hoặc tháng 11 tới.

Đàm phán sửa đổi NAFTA chưa đạt được kết quả cuối cùng

Ngày 11/5, các đoàn đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico thống nhất sẽ sớm tiếp tục nối lại các vòng đàm phán sau khi kết thúc một tuần làm việc quan trọng mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Sau cuộc họp kéo dài 30 phút ngày 11/5, các chính trị gia cấp cao của Mexico và Canada tham gia đàm phán đều cho biết các bên vẫn tồn tại nhiều khác biệt lớn.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết các quan chức 3 bên sẽ ở lại làm việc trong khi các bộ trưởng sẽ trở về nước để tham vấn.

Phát biểu trước báo giới, bà Freeland khẳng định hoạt động đàm phán sẽ sớm được nối lại và sẽ kéo dài cho tới khi các bên thống nhất được một thỏa thuận tốt.

Argentina kêu gọi hỗ trợ tài chính từ IMF để tránh khủng hoảng kinh tế

Chánh văn phòng của Tổng thống Argentina Marcos Pena ngày 12/5 cho biết đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này.

Phát biểu trước truyền thông, ông Pena cho hay các cuộc đàm phán giữa Buenos Aires với IMF tập trung vào đề nghị hỗ trợ tài chính mà không đề cập đến yêu cầu IMF về một chương trình kinh tế.

Chính phủ Argentina tiến hành các cuộc đối thoại với IMF để kêu gọi sự hỗ trợ tài chính sau khi đồng nội tệ peso liên tục mất giá trong hai tuần qua, với đồng nội tệ giao dịch ở mức 23,73 peso/USD, mức giá thấp nhất của đồng peso trong năm nay.

Dự báo kinh tế Nhật Bản suy giảm lần đầu tiên trong hai năm

Các chuyên gia kinh tế dự đoán kinh tế Nhật Bản trong quý 1/2018 suy giảm lần đầu tiên trong hai năm do tiêu dùng cá nhân yếu kém và nhu cầu của thị trường bên ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản giảm sút.

Theo cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm nay ước tính giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 1,6% trong quý 4/2017. Số liệu dự báo này có thể kết thúc giai đoạn tăng trưởng dài nhất của kinh tế Nhật Bản (trong 8 quý liên tiếp) kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng số liệu đáng lo ngại trên có thể chỉ mang tính tạm thời, trong bối cảnh giá rau quả tươi tăng và thời tiết mùa Đông kém thuận lợi có thể đã ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng trong quý 1.

ECB hối thúc các lãnh đạo Liên minh châu Âu cải tổ Eurozone

Ngày 11/5, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi các chính trị gia bỏ qua các bất đồng để đạt thỏa thuận về cải cách Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Phát biểu tại thành phố Florence của Italy, ông Draghi cho rằng Eurozone cần các chính sách có thể giúp hệ thống tài chính ổn định hơn và thúc đẩy sự cân bằng hơn giữa các nền kinh tế thành viên.

Chủ tịch ECB kêu gọi lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh các chương trình cải cách hệ thống tài chính như thành lập Quỹ Giải pháp đơn nhất có nhiệm vụ hỗ trợ các ngân hàng hoạt động thiếu hiệu quả.

Ngoài ra, quan chức này cũng kêu gọi cho ra đời một "công cụ tài khóa bổ sung" có thể hỗ trợ các nước gặp khó khăn về kinh tế để tránh tạo ra chênh lệch phát triển quá mức giữa các nước thành viên./.