Áp lực kinh tế lớn

Sau hơn 2 năm cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Argentina Mauricio Macri vẫn luẩn quẩn trong vòng xoáy thâm hụt ngân sách, không kiềm chế được lạm phát và nợ nước ngoài ở mức cao.

Áp lực đè nặng lên Argentina khi đồng Peso liên tục lao dốc và bị mất giá tới 12% vào cuối tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Peso của Argentina đã sụt giá khoảng 23% so với đồng USD, trong bối cảnh lạm phát leo thang mạnh. Hồi tháng 3, lạm phát ở nước này là 2,3%, nâng tổng mức lạm phát của 12 tháng lên 25,4%, vượt xa mục tiêu 15% của Ngân hàng Trung ương.

Hơn nữa, việc các nhà đầu tư rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi để đưa về Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang nâng lãi suất cũng gây sức ép mất giá không nhỏ lên đồng Peso của Argentina.

Từ đầu năm đến nay, đồng Peso của Argentina đã sụt giá khoảng 23% so với đồng USD

"Argentina đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan", ông Gabriel Gersztein, trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu thuộc ngân hàng BNP Paribas, nhận định trong một báo cáo hồi cuối tháng 4.

"Nếu Ngân hàng Trung ương nước này tăng lãi suất mạnh, thì thâm hụt tài khóa sẽ tăng. Còn nếu họ không hành động, hệ quả sẽ là dự trữ ngoại hối sụt giảm và kỳ vọng mất giá đồng tiền càng lớn", ông Gabriel Gersztei đánh giá.

Cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Argentina đã lựa chọn phương án thứ nhất khi 3 lần liên tục điều chỉnh tỷ giá lãi suất chỉ trong vòng một tuần, từ 27% lên mức kỷ lục 40%. Cùng với đó, Bộ Tài chính Argentina cũng cắt giảm mục tiêu thâm hụt thuế từ 3,2% xuống 2,7% và điều chỉnh các nguồn chi tiêu công, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng trong năm 2018.

Mặt khác, trong hai tuần gần đây, Ngân hàng Trung ương Argentina đã bán ra hơn 6 tỷ USD để chặn sự hỗn loạn của thị trường hối đoái mà chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri gắn cho các “nguyên nhân từ bên ngoài”.

Diễn biến này dóng lên những hồi chuông báo động về nguy cơ bùng phát cuộc khủng hoảng mới về tài chính và tiền tệ ở nền kinh tế mới nổi này, với hậu quả khó có thể tránh khỏi được là gây suy thoái kinh tế hoặc hủy hoại đà tăng trưởng đã đạt được.

Kêu gọi hỗ trợ quốc tế

Trước đó, hôm 8/5, Tổng thống Argentina Mauricio Macri thông báo đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ tài chính để giúp nước này thoát khỏi thời điểm khó khăn do những biến động của thị trường tài chính tiền tệ khiến cho đồng Peso nội tệ mất giá mạnh.

Mối quan hệ giữa Argentina và IMF đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong những thập niên gần đây. Mặc dù đã từng hỗ trợ Argentina nhiều gói tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng ở thập niên 1990 và đầu năm 2000, nhưng đổi lại tổ chức này cũng đặt ra những điều kiện mà dư luận quốc gia Nam Mỹ này cho là mang tính can thiệp và áp đặt đối với nền kinh tế Argentina.

Năm 2006, cố Tổng thống theo đường lối trung tả Nestor Kirchner quyết định thanh toán một lần toàn bộ khoản nợ với IMF và chấm dứt mối quan hệ với tổ chức này cũng như những biện pháp giám sát của IMF đối với các tài khoản của Argentina.

Theo Tổng thống Macri, ông đã trao đổi với Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và hai bên sẽ ngay lập tức sẽ tiến hành đàm phán về việc hợp tác giúp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế Argentina vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Nhà lãnh đạo Argentina khẳng định, sự hỗ trợ của IMF sẽ là động lực để nước này thúc đẩy chương trình tăng trưởng và phát triển. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nguồn lực của IMF cũng giúp cho Argentina đối phó với những thay đổi bất lợi.

Ông Macri tin tưởng: "Điều đó sẽ cho phép chúng tôi đối mặt với kịch bản toàn cầu mới và tránh một cuộc khủng hoảng như chúng tôi từng gặp phải trong lịch sử của mình".

Bộ trưởng Tài chính Argentina, ông Nicolas Dujovne cũng cho biết thêm, IMF là tổ chức cung cấp nguồn tài chính hợp lý nhất mà nước này có thể tiếp cận. Nhiều khả năng, nếu hai bên đạt được thỏa thuận thì IMF sẽ hỗ trợ cho Argentina một khoản tài chính vào khoảng 30 tỷ Peso (tương đương 1,3 tỷ USD).

Trong khi đó, bà Lagarde cũng xác nhận đã thảo luận với các quan chức Argentina về vấn đề này. Bà khẳng định, quốc gia Nam Mỹ này là một thành viên quan trọng của IMF, vì vậy tổ chức này sẵn sàng tiếp tục hợp tác với chính phủ Argentina để giải quyết một cách hiệu quả nhất những vấn đề phát sinh.

Bên cạnh IMF, Argentina cũng đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và Ngân hàng Phát triển châu Mỹ Latinh để có thêm vốn tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 4, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Argentina xuống còn 2% năm nay, giảm 0,5 điểm phần trăm so với con số đưa ra hồi tháng 10/2017, đồng thời cho biết tỷ lệ lạm phát của Argentina sẽ ở mức 22,7%, tăng 5 điểm phần trăm.

Báo cáo của IMF cũng cho hay, năm 2017, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina tăng 2,9%, nhưng nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh chỉ tăng trưởng 2% năm nay và sẽ đạt mức tăng 3,2% năm tới, do tình trạng hạn hán trầm trọng đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cũng như yêu cầu phải điều chỉnh ngân sách và chính sách tiền tệ của Chính phủ Tổng thống Mauricio Macri./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://www.vietnamplus.vn/argentina-de-nghi-imf-can-thiep-khi-thi-truong-hoi-doai-bien-dong-manh/501537.vnp

http://bnews.vn/argentina-dau-dau-voi-tham-hut-ngan-sach-lam-phat-va-no-nan/74391.html

https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-05-11/about-that-argentine-peso-one-bank-says-it-s-too-risky-to-short