Khởi đầu cho mối quan hệ mới

Theo VOX, bản tuyên bố chung này bao gồm 4 điểm lớn, mang tính định hướng cho tương lai lâu dài trên bán đảo Triều Tiên:

Thứ nhất, Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.

Thứ hai, Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình bền vững, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Cam kết này tương tự cam kết mà Bình Nhưỡng đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4.

Thứ tư, Mỹ và Triều Tiên cam kết phục hồi tìm kiếm hài cốt POW/MIA (tù nhân chiến tranh/những người mất tích khi làm nhiệm vụ), bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những hài cốt đã được xác định.

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump tin tưởng: "Mối quan hệ của chúng tôi với Triều Tiên và cả bán đảo Triều Tiên sẽ khác rất nhiều so với trước. Và tôi thực sự muốn nói rằng những gì chúng tôi đã đạt được lớn hơn nhiều so với kỳ vọng của bất cứ ai".

Tổng thống Trump khẳng định đây là một văn kiện "rất quan trọng và toàn diện". Trước đó, ông Donald Trump tuyên bố cuộc gặp diễn ra "thực sự tuyệt vời", đồng thời khẳng định hai bên đã đạt được nhiều tiến triển "tốt hơn mọi kỳ vọng".

Lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã ký tuyên bố chung lịch sử

Để đi đến lễ ký tuyên bố chung sau hội đàm, Mỹ và Triều Tiên đã trải qua gần 7 thập niên chiến tranh và thù địch. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bình luận, tuyên bố chung này là khởi đầu cho một mối quan hệ mới.

Tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mô tả thượng đỉnh Mỹ - Triều là “cuộc đối thoại bình đẳng” giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Vương Nghị khẳng định đây chính xác là những gì mà Trung Quốc vẫn luôn chờ đợi. Ông cũng nhấn mạnh rằng, không ai có thể nghi ngờ về “vai trò quan trọng và duy nhất của Trung Quốc” trong vấn đề Triều Tiên và Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện vai trò này.

Nhưng có thành công như mong đợi?

Những gì đạt được trong cuộc gặp lịch sử ngày 12/6 thực sự làm hài lòng cả hai nhân vật chính - Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng bản tuyên bố chung mà thế giới chứng kiến lại thiếu vắng những điều khoản then chốt về vấn đề giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump mang đến bàn đàm phán mong muốn và yêu cầu rất khác nhau. Mục đích của Mỹ là thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân một cách có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Với Triều Tiên, nước này muốn nhận được sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, dỡ bỏ các lệnh cấm vận để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, tuyên bố chung được ký khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hầu như không đưa ra chi tiết cụ thể nào cho việc đạt các mục tiêu nói trên.

"Tổng thống Trump cam kết cung cấp đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong Un khẳng định cam kết vững chắc, không lay chuyển của ông về phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", tuyên bố có đoạn viết.

Thậm chí, ông Trump nói rằng ông kỳ vọng tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ bắt đầu "rất, rất nhanh". Theo tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận tiếp theo "trong thời gian sớm nhất có thể".

Mặc dù vậy, các nhà phân tích chính trị nhận định, cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong Un chỉ mang lại kết quả mang tính biểu tượng và chưa có gì hữu hình.

"Chưa rõ liệu các cuộc đàm phán sau có dẫn đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hay không", VOX dẫn lời ông Anthony Ruggiero, chuyên gia cấp cao thuộc Foundation for Defense of Democracies.

"Thỏa thuận này trông giống như một sự lặp lại những gì đã có từ những cuộc đàm phán 10 năm trước và không phải là một bước tiến lớn về phía trước", vị chuyên gia này nói.

Ngoài ra, tuyên bố chung cũng không đề cập gì đến lệnh trừng phạt quốc tế áp lên Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này.

Chưa kể, tuyên bố chung cũng không nhắc gì đến việc ký kết một thỏa thuận hòa bình. Triều Tiên và Mỹ thuộc hai phe chống lại nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến tranh đó mới chỉ khép lại bằng một thỏa thuận ngừng bắn.

Nhà nghiên cứu cấp cao Li Nan thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Pangoal ở Bắc Kinh cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh chỉ có ý nghĩa quan trọng mang tính biểu tượng. "Còn quá sớm để gọi đây là một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Triều", ông Li khẳng định trên ABS-CBN.

Trả lời phỏng vấn của CNN ngày 12/6, nhà phân tích cao cấp Adam Mount tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cũng cho biết, ngôn từ được sử dụng trong Tuyên bố chung được ký kết giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề cập đến việc giải giáp hạt nhân là không mạnh mẽ như mong đợi.

“Nó không mạnh và thực tế là yếu hơn đáng kể so với các cam kết trước đây của Triều Tiên về vấn đề hạt nhân… Thành thật mà nói, tôi hoàn toàn mong đợi một cái gì đó mạnh mẽ hơn về điều này”, ông Mount nói.

Nhà phân tích này cũng chỉ ra, tuyên bố chung được ký kết không đề cập đến việc giải trừ hạt nhân có thể xác minh hoặc không thể đảo ngược. Mặc dù vậy, ông Mount cho rằng đó không phải là một thất bại.

“Nếu kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh này dẫn đến một sự tương tác liên tục, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thì nó sẽ được xem như là một thành công”, ông Mount nhận định./.

Tham khảo từ:

https://edition.cnn.com/politics/live-news/trump-kim-jong-un-meeting-summit/h_7634a6e516b62fcfdddf85081f9b9f79

http://news.abs-cbn.com/overseas/06/12/18/trump-says-kim-makes-unwavering-commitment-to-denuclearize

https://www.vox.com/world/2018/6/12/17452616/trump-kim-jong-un-north-korea-summit