EU cảnh báo Mỹ sẽ chịu hậu quả lớn nếu áp thuế nhập khẩu xe ôtô

Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Mỹ rằng việc áp thuế nhập khẩu đối với ôtô và linh kiện xe hơi sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ôtô của chính nước Mỹ và có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Trong một tài liệu dài 10 trang gửi Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/6 vừa qua, EU cho biết thuế nhập khẩu đánh vào xe ôtô và các linh kiện xe hơi là không thể lý giải được và không có ý nghĩa về kinh tế.

Tuần trước, ông Trump cho biết Chính phủ Mỹ sẽ sớm hành động, đồng thời dọa áp mức thuế 20% đối với mọi xe ôtô lắp ráp tại EU. Theo các số liệu chính thức, kim ngạch xuất khẩu ôtô của EU vào Mỹ đạt 43,6 tỷ USD trong năm 2017.

EU cũng nhấn mạnh rằng mối liên hệ giữa ngành sản xuất ôtô với an ninh quốc gia là "quá ít," đồng thời khẳng định các mức thuế mà Mỹ định áp đặt nhằm vào xe ôtô và linh kiện xe hơi sẽ hủy hoại chính ngành sản xuất ôtô của Mỹ khi các nhà sản xuất phải chịu chi phí cao hơn

Mỹ chưa tính tới việc rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 2/7 cho biết việc Mỹ thảo luận bất kỳ quyết định nào về việc rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ là vội vàng.

Phát biểu trên kênh CNBC, Bộ trưởng Ross nêu rõ: "WTO biết rằng cần một số cải cách. Tôi nghĩ thực sự cần cập nhật và đồng bộ những hoạt động của tổ chức này và chúng ta sẽ xem điều đó dẫn tới đâu. Nhưng tôi nghĩ còn hơi sớm để thảo luận về việc rút khỏi tổ chức này."

Quan điểm của Bộ trưởng Ross được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích mạnh mẽ tổ chức thương mại toàn cầu này.

Tổng thống Mỹ để ngỏ ký NAFTA sửa đổi sau bầu cử giữa nhiệm kỳ

Với hy vọng có được thêm các nhượng bộ từ phía Canada và Mexico, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hoãn ký Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi cho đến sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington ngày 2/7, trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump cho biết có thể nhanh chóng ký kết NAFTA sửa đổi với hai nước láng giềng, nhưng sẽ không làm điều này vì không hài lòng và “muốn có sự công bằng hơn” cho phía Mỹ.

Khi được hỏi về thời điểm có thể ký kết, ông Trump trả lời: “Tôi muốn đợi cho tới sau bầu cử.”

Quyết định của ông chủ Nhà Trắng nhằm kéo dài thời gian thảo luận về sửa đổi NAFTA, trong lúc Mỹ và Canada đang có cuộc trả đũa qua lại về thuế quan. Ông Trump nói rằng cuộc tranh chấp sẽ còn tiếp tục.

NAFTA đã được hình thành và vận hành trong suốt gần 25 năm qua. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng hiệp định này là một "trò lừa bịp" với ngành công nghiệp Mỹ và yêu cầu đàm phán sửa đổi NAFTA.

Sau 7 vòng đàm phán, cho tới nay tiến trình đàm phán sửa đổi NAFTA vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, chủ yếu do những yêu cầu khó chấp nhận từ phía Mỹ.

Mercosur bắt đầu đàm phán FTA vòng thứ 4 với khối EFTA

Ngày 2/7, nhà chức trách Brazil cho biết vòng đàm phán thứ 4 về một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã bắt đầu tại Geneva, Thụy Sĩ, và sẽ kéo dài đến ngày 6/7 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, bốn nước thành viên của khối EFTA, gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, và của Mercosur (Argentian, Brazil, Paraguay và Uruguay) đã tổ chức đàm phán FTA lần đầu tiên giữa hai bên hồi tháng 6/2017. Kể từ đó tới nay, hai bên đã thực hiện được 3 vòng đàm phán.

Tại cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào tháng 4/2018 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), hai bên đã thảo luận các chủ đề về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các rào cản thương mại, vấn đề vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực khác.

Cho tới nay, EFTA đã ký FTA với Costa Rica, Panama, Guatemala, Mexico, Chile, Colombia, Ecuador và Peru, trong khi đàm phán về FTA với Honduras đã bị đình chỉ.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch trao đổi thương mại giữa EFTA và Mercosur vượt 8,7 tỷ USD trong năm 2015. Khối châu Âu này xuất khẩu sang thị trường Mercosur số dược phẩm trị giá 1,4 tỷ USD, hóa chất hữu cơ (764 triệu USD) và thiết bị máy móc (462 triệu USD).

Trong khi đó, EFTA nhập từ khối Nam Mỹ này đá quý và kim loại (1,9 tỷ USD), hóa chất vô cơ (859 triệu USD), lương thực (357 triệu USD), cà phê, trà và gia vị (259 triệu USD) cùng nhiều mặt hàng khác

Nguồn thu từ thuế của Nhật Bản cao kỷ lục trong 26 năm

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 4/7 cho biết nguồn thu từ thuế của chính phủ nước này đạt 58.790 tỷ Yen (532 tỷ USD) trong tài khóa 2017, mức cao nhất trong 26 năm qua. Con số này tăng 6% so với tài khóa trước đó, nhờ giá cổ phiếu tăng và lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc.

Chính phủ Nhật Bản chưa từng thu được nhiều thuế đến vậy kể từ tài khóa 1991, vào khoảng thời gian, mà nền kinh tế bong bóng tài sản của nước này chấm dứt.

Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vốn lên kế hoạch tăng thuế tiêu dùng trên quy mô quốc gia vào năm tới, đang hy vọng nguồn thu từ thuế tiếp tục tăng để có ngân quỹ phục vụ kích thích tài chính và đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội của nhóm dân số già ở nước này. Song, các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc giá dầu tăng có thể gây bất lợi do làm giảm nhu cầu nước ngoài mà từ trước đến nay Nhật Bản luôn dựa vào để tăng trưởng kinh tế. Điều này nếu xảy ra sẽ đánh thẳng vào tình hình tài chính của Nhật Bản, vốn được coi là yếu nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

Nguồn thu từ thuế doanh nghiệp của Nhật Bản trong tài khóa trước 2017 tăng 16,1% lên 12.000 tỷ Yen, mặc dù mức này giảm gần 400 triệu Yen so với ước đoán. Nguồn thu từ thuế tiêu dùng tăng 1,7% lên 17.510 tỷ Yen phần lớn nhờ giá nhập khẩu cao hơn, theo Bộ Tài chính Nhật Bản.

Tính chung, Tokyo đạt thặng dư ngân sách 909,4 tỷ Yen. Phát hành trái phiếu chính phủ giảm 2.000 tỷ Yen so với kế hoạch nhờ mức tăng trong các nguồn thu khác và phần ngân sách chưa dùng đến./.