Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã ký thỏa thuận thương mại tự do vào hôm thứ Ba

Hiệp định đầy tham vọng đã ký kết tại Tokyo nhằm chống lại các động thái của Tổng thống Donald Trump về việc tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ. Cả châu Âu và Nhật Bản đều đưa ra những dự báo khả quan về thỏa thuận bao trùm 1/3 nền kinh tế toàn cầu và 600 triệu dân.

"EU và Nhật Bản cho thấy một quyết tâm không thể nao núng để dẫn dắt thế giới như những người ủng hộ tự do," ông Abe cho biết tại một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Tusk ca ngợi thỏa thuận này là "thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ ​​trước tới giờ." Ông cho biết quan hệ đối tác đang được tăng cường trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm quốc phòng, biến đổi khí hậu và trao đổi con người, và là "gửi một thông điệp rõ ràng" chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Lẽ ra, thỏa thuận đã được ký ở châu Âu vào đầu tháng 7, nhưng việc ký kết đã bị hoãn do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải hủy chuyến thăm Brussels để chỉ đạo giải quyết hậu quả trận lũ nghiêm trọng khiến hơn 200 người thiệt mạng ở khu vực Tây Nam nước này.

Khi thỏa thuận được đưa vào thực thi, giá rượu vang, thịt lợn, túi xách và thuốc châu Âu tại thị trường Nhật sẽ giảm xuống. Giá phụ tùng máy móc, trà và các sản phẩm cá của Nhật tại thị trường châu Âu cũng trở nên rẻ hơn.

Theo thỏa thuận, 99% thuế quan đối với hàng Nhật và châu Âu sẽ được xóa bỏ. 94% thuế quan đối với hàng châu Âu vào Nhật cũng sẽ được xóa bỏ ngay, và tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 99% sau vài năm. Một số trường hợp đặc biệt mà Nhật chưa thể gỡ hàng rào thuế quan có mặt hàng gạo - một mặt hàng có sự nhạy cảm lớn cả về văn hóa và kinh tế mà Tokyo đã bảo hộ nhiều thập kỷ.

Ông Juncker nhận định “Nói chung, nông dân châu Âu sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận này, mặc dù người tiêu dùng châu Âu có khả năng cao là sẽ tiêu thụ sản phẩm thịt bò Kobe cao cấp và dưa Yubari nổi tiếng đến từ Nhật.”

EU thì nói rằng tự do hóa thương mại với Nhật Bản sẽ giúp châu Âu xuất khẩu được nhiều hơn các sản phẩm hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia sang Nhật Bản. Còn người Nhật sẽ mua được các loại phô mai rẻ hơn, như Parmesan, gouda và cheddar, cũng như sô cô la và bánh quy.

Rượu vang và pho mát nhập khẩu có thể làm tổn hại đến doanh số bán hàng của các nhà máy rượu vang và nhà máy sản xuất sản phẩm từ sữa của Nhật Bản.

Ngoài thỏa thuận với EU, Nhật Bản còn đang xúc tiến các thỏa thuận thương mại khác, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP11 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hiệp định Đối tác kinh tế EU-Nhật Bản được coi là một "sản phẩm" của chính sách chấn hưng tăng trưởng kinh tế "Abenomics" của Thủ tướng Abe. Chính sách này nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi chuỗi thời gian tăng trưởng trì trệ kéo dài nhiều năm, bất chấp dân số Nhật suy giảm và người dân hạn chế chi tiêu. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Nhật vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Dịch từ nguồn:

https://www.apnews.com/bb26231767374debafda43f4d99d5bba