Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải)

Chỉ vài giờ trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tái áp lên Iran, ông John Bolton nói rằng, Iran nên chú ý đến thiện chí sẵn sàng đàm phán của Tổng thống Trump.

"Họ có thể chấp nhận đề xuất đàm phán mà Tổng thống đưa ra, để từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của họ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng", ông Bolton nói với kênh Fox News, "Nếu Iran muốn thoát khỏi lệnh trừng phạt, họ nên ngồi vào bàn đàm phán. Sức ép đối với họ sẽ không lớn trong lúc họ đàm phán".

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chính thức tái áp trở lại đối với Iran từ ngày 7/8 theo giờ Washington, nhằm không cho Iran được mua đồng USD, đồng thời chặn các hoạt động giao thương về kim loại, than, phần mềm công nghiệp và ôtô của nước này với các quốc gia khác.

Là đối thủ suốt nhiều thập niên qua, mối quan hệ Mỹ - Iran càng trở nên căng thẳng vì ảnh hưởng lên tình hình quân sự và chính trị ở khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng của Iran kể từ khi ông Trump lên nhậm chức vào tháng 1/2017.

Các lệnh tái trừng phạt này nằm trong số những lệnh trừng phạt theo thỏa thuận năm 2015 giữa các cường quốc thế giới với Tehran về việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5 vừa qua và những lệnh trừng phạt mới ngày càng nghiêm ngặt hơn được nhắm vào lĩnh vực dầu lửa của Iran sẽ được triển khai vào tháng 11 này.

Đồng Rial của Iran đã mất đi nửa giá trị kể từ tháng 4 dưới sức ép của lệnh tái trừng phạt. Sự sụp đổ của đồng nội tệ và lạm phát tăng cao đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình rải rác ở Iran chống lại tình trạng đầu cơ trục lợi và tham nhũng với nhiều người biểu tình giơ khẩu hiệu phản đối Chính phủ.

Vào hôm thứ 2 (6/8), Tổng thống Hassan Rouhani đã tuyên bố Iran chỉ có thể đàm phán được với Mỹ nếu phía này chứng minh được sự đáng tin cậy.

Ông Rouhani ám chỉ rằng, nếu Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ trừng phạt Iran, thì Iran mới có thể đàm phán với Mỹ.

"Nếu bạn đâm một người nào đó bằng dao và sau đó bạn nói bạn muốn nói chuyện, thì điều đầu tiên bạn phải làm là loại bỏ con dao", Rouhani nói trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình nhà nước.

“Chúng tôi luôn ủng hộ ngoại giao và đàm phán. Nhưng, các cuộc đàm phán cần sự trung thực,” Rouhani nói. Ông kêu gọi, người Iran đoàn kết khi đối mặt với khó khăn.

"Sẽ có áp lực vì sự trừng phạt, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua điều này với sự thống nhất," ông nói.

Mỹ và Iran cũng đang tranh chấp về sự tham gia của Iran vào các cuộc xung đột ở Trung Đông từ Yemen tới Syria và những căng thẳng giữa Tehran và Israel.

Ông Trump lên kế hoạch tái áp lệnh trừng phạt lên dầu lửa của Iran vào tháng 11 này và muốn càng nhiều quốc gia càng tốt cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran về 0.

Tuy nhiên, chiến lược trừng phạt của Mỹ đối với Iran có nhiều điểm yếu, nhất là trong khi châu Âu, Trung Quốc và Nga không muốn cắt quan hệ kinh doanh và giao thương với Iran.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/8 lên tiếng phản đối việc Mỹ tái áp trừng phạt lên Iran.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Kinh tế Iran cho rằng lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp lên Iran sẽ không có ảnh hưởng lớn. "Nhiều quốc gia, bao gồm các nước châu Âu, không đồng tình với lệnh trừng phạt của Mỹ và sẵn sàng hợp tác với Iran", vị quan chức này nói.

Hôm Chủ nhật (5/8), Iran tuyên bố sẽ nới lỏng các quy định về trao đổi ngoại tệ nhằm ngăn đà lao dốc của đồng Rial.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 3, dự trữ ngoại hối của Iran sẽ giảm xuống còn 97,8 tỷ USD trong năm nay, đủ cho 13 tháng nhập khẩu.

Các lệnh trừng phạt nhằm mục đích thay đổi hành vi của Iran và không mang lại một sự thay đổi chế độ nhắm mục tiêu vào Rouhani, các quan chức Mỹ cho biết trong một cuộc hội đàm vào thứ Hai (6/8). Họ nói rằng, việc xử lý các cuộc biểu tình xã hội và lao động của chính phủ này là một mối quan tâm.

Lo ngại trước lệnh trừng phạt và khó khăn kinh tế đã dẫn đến các cuộc biểu tình rải rác ở một số thành phố trong những ngày gần đây, với những người Iran giơ khẩu hiệu chống lại các nhà lãnh đạo Iran.

Vào hôm thứ 2 (6/8), ông Trump cảnh báo đối với những quốc gia nào vẫn tiếp tục giao thương với Iran sẽ nhận “hậu quả nghiêm trọng”. Ông nói trong một tuyên bố “Mỹ sẽ cam kết thực thi tất cả các biện pháp trừng phạt và sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia còn giao thương với Iran để đảm bảo việc trừng phạt được tuân thủ hoàn toàn”.

Hôm thứ 2 (6/8), EU đã tuyên bố chống lại việc tái trừng phạt Iran của Mỹ. EU và các bên khác trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Trung Quốc và Nga, đang làm việc để duy trì thương mại với Iran, trong khi Iran đã đe dọa ngừng tuân thủ việc kiềm chế chương trình hạt nhân của mình nếu họ không thấy được lợi ích kinh tế từ việc miễn trừng phạt theo thỏa thuận đó.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt của Mỹ", EU nói trong một tuyên bố chung với các bộ trưởng ngoại giao của Pháp, Đức và Anh.

Họ cam kết sẽ cố gắng để duy trì các dòng tài chính và xuất khẩu dầu và khí đốt của Iran - một phần quan trọng của nền kinh tế này./.

Dịch từ nguồn:

https://ca.reuters.com/article/topNews/idCAKBN1KR1N3-OCATP