Nhật Bản: thành công nhờ cách làm thiết thực

Ngay sau cuộc khủng khoảng năng lượng thế giới lần II vào năm 1979, Nhật Bản đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng hợp lý, theo đó, tất cả các ngành công nghiệp ở Nhật Bản phải giảm ít nhất 1% mức tiêu thụ năng lượng hàng năm. Nếu cộng dồn trong hơn 3 thập niên qua, kể từ khi Luật được ban hành, thì năng lượng tiết kiệm được là con số khổng lồ. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực công nghiệp, để đảm bảo các tiêu chuẩn của thế giới, Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp thay thế thiết bị áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay (như quy trình sản xuất sắt thân thiện môi trường). Ngày nay, tiết kiệm năng lượng đã trở thành một phương châm trong lối sống, cũng như làm việc của người Nhật. Họ đã có những cách làm thiết thực và hiệu quả, như sau:

- Trút bỏ bớt quần áo để hạ nhiệt: Chiến dịch "Cool Biz" (Công sở mát mẻ) do Thủ tướng Koizumi phát động vào mùa hè năm 2005, theo đó, khuyến khích các nhân viên ăn mặc những bộ quần áo đơn giản, mát mẻ và giảm sử dụng điều hoà trong những tháng mùa hè. Thủ tướng Koizumi đã cam kết sẽ không đeo cà vạt trong suốt chiến dịch, ngoại trừ những cuộc họp cấp cao. Trong chiến dịch Cool Biz lần thứ nhất, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải carbon dioxide, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 1/6 hằng năm và được duy trì liên tục, đặc biệt trong năm 2012, chiến dịch này được thực hiện từ ngày 01/5, đẩy lên sớm hơn 1 tháng so với các năm trước.

- Trồng cây xanh: Nhiều nhà hàng, văn phòng ở Nhật Bản đã trồng các loại dây leo ở cửa sổ để tạo bóng râm và làm mát không phí bên trong. Hãng điện tử Hitachi (nơi có số nhân viên nhiều thứ hai tại Nhật) đã cho trồng các giàn khổ qua bao phủ quanh các nhà máy và còn phát hạt giống để nhân viên trồng ở nhà.

Người Nhật đã nghiên cứu và cho thấy, nếu 50% không gian trên sân thượng các tòa nhà của thành phố Tokyo được phủ đầy cây xanh thì nhiệt độ ở Tokyo có thể được hạ xuống khoảng từ 0,11-0,84 độ C. Điều này sẽ giúp Tokyo tiết kiệm được khoảng 100 triệu Yên/ngày trong tổng số các hóa đơn thanh toán tiền điện sử dụng của Thành phố (Hồ Tấn Triều, 2012).

- Ở các tòa nhà công sở, thang máy tại nhiều tòa nhà chỉ phục vụ cho việc đi lại từ 3 tầng trở lên và nhiệt độ điều hòa không khí được điều chỉnh ở mức 28 độ C: Vào các công sở ở Tokyo, chúng ta không có cảm giác “bỗng nhiên nổi da gà” vì chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong. Chỉ những ngày nhiệt độ cao hơn 28 độ C, các công sở ở Nhật mới cho phép bật điều hòa và mặc định ở mức 28 độ C, không được điều chỉnh thấp hơn.

- Phối hợp tốt giữa các nguồn điện để đạt được hiệu suất tối đa: Nhật Bản cũng có sự chênh lệch lớn về nhu cầu điện năng giữa giờ cao điểm và thấp điểm. Giải pháp điều chỉnh chiến lược của quốc gia này là sử dụng thủy điện tích năng, nghĩa là nước được bơm lên cao vào ban đêm bằng điện dư thừa vào giờ thấp điểm và cho chảy xuống phát ra điện vào giờ cao điểm.

- Sử dụng các thiết bị điện thông minh, tiết kiệm năng lượng: Có đến 3/4 người dân Nhật xem chuyện tiết kiệm nhiên liệu là trách nhiệm cá nhân và họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các loại máy móc, vật dụng “sạch”. Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà sản xuất đua nhau chế tạo các máy móc tiết kiệm điện, dù có thể đắt hơn nhiều so với loại bình thường. Các loại “máy thông minh” có mặt ở khắp nơi, tự động ngắt điện khi không có người sử dụng, từ máy bán vé tự động ở ga điện ngầm đến các cầu thang cuốn.

- Làm lệch giờ để giảm đỉnh phụ tải: Các công sở ở Tokyo cho nhân viên đi làm vào ngày nghỉ để tránh tình trạng điện cao điểm và nhân viên cũng được nghỉ trưa dài hơn. Chính quyền thành phố Gifu, tỉnh Gifu (Nhật Bản) cũng đã yêu cầu tất cả các nhân viên văn phòng trong thành phố nghỉ làm việc từ 13h-16h hàng ngày nhằm giảm lượng điện tiêu thụ trong những ngày hè. Bằng cách này, chính quyền thành phố Gifu hy vọng sẽ cắt giảm được 11% lượng điện năng tiêu thụ trong năm.

- Thực hiện tốt Luật Giới hạn điện năng tiêu thụ: Để đối phó với khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima 1, Chính phủ Nhật Bản đã quy định: Tất cả các cơ sở tiêu thụ nhiều điện nằm trong khu vực cung cấp điện của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) và Công ty Điện lực Tohoku phải cắt giảm 15% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm so với lượng điện tiêu thụ cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, các cơ sở đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định này, tuyệt nhiên không có cơ sở nào vi phạm.

Hiệu quả thiết thực của những cách làm trên đã tạo ra sự khác biệt rất đáng trân trọng. Tính trung bình, mức tiêu thụ điện của người người Nhật chỉ bằng 1/2 so với người Mỹ.

Thái Lan: Thành công nhờ tuyên truyền

Quốc gia này cho rằng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất cho vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề cơ cấu tổ chức. Đây chính là cơ sở cho phép triển khai và phối hợp các họat động khác nhau. Vấn đề năng lượng không chỉ liên quan tới riêng Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Năng lượng, mà tới tất cả các bộ khác. Để tất cả mọi đối tượng, cả khu vực công lẫn khu vực tư, các cơ quan ban, ngành hay cá nhân đều ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tín hiệu đưa ra phải bắt nguồn từ cấp rất cao. Tại Thái Lan, Hội đồng quốc gia về chính sách năng lượng quy tụ đại diện của Ủy ban Quản lý chính sách năng lượng, Bộ Năng lượng, cũng như Ủy ban Quản lý quỹ hiệu quả năng lượng. Hội đồng do Thủ tướng đứng đầu, điều đó cho thấy tầm quan trọng của chính sách tiết kiệm năng lượng đối với Thái Lan. Mặt khác, cơ quan phụ trách sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng phải có một mức độ tự chủ nhất định và khả năng đưa ra sáng kiến.

Thái Lan cũng đã thành lập một quỹ riêng (ENCON) chuyên tài trợ cho các hoạt động nâng cao hiệu quả năng lượng. Với nguồn thu khoảng 50 triệu USD/năm, ENCON cho phép tài trợ nhiều hoạt động khác nhau như: Thông tin, tuyên truyền; Tăng cường năng lực, triển khai các dự án trọng điểm; Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn, khuyến khích phát triển các loại năng lượng thay thế cho dầu lửa…

Quỹ ENCON còn rót vốn cho một quỹ lưu động có tên gọi Energy Conservation Promotion Fund (ECP). Quỹ này được dành cho mục đích khuyến khích các ngân hàng cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng. Các khoản vay do ngân hàng chấp thuận, có thể lên tới 1,2 triệu USD cho một dự án, lãi suất dưới 4%/năm và thời hạn hoàn vốn là 7 năm. Vụ Phát triển các loại năng lượng thay thế và hiệu quả năng lượng Thái Lan là đơn vị hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Thái Lan đã đưa ra các quy định, như: hơn 4.900 tòa nhà và nhà máy tiêu hao nhiều năng lượng ở Thái Lan chịu sự điều tiết của một loạt các quy định, là: Quy định bắt buộc chỉ định một người phụ trách về năng lượng; Công bố hàng tháng mức tiêu hao năng lượng; Xây dựng các mục tiêu về sử dụng năng lượng hiệu quả và kế hoạch hành động cụ thể; Tiến hành đầu tư, quy định bắt buộc về theo dõi kết quả tiết kiệm…

Các chương trình tự nguyện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở đất nước này cũng tỏ ra khá thành công so với các quy định mang tính bắt buộc. Các hoạt động tự nguyện được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ của doanh nghiệp dành cho các chương trình công và tư trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng, khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ góp phần tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ nghiên cứu để phát triển công nghệ sử dụng tiết kiệm năng lượng. Điển hình là, chương trình tuyên truyền có tên gọi là “Giảm mức tiêu thụ xuống còn ½”, không chỉ tập trung vào năng lượng, mà còn về các tài nguyên khác, ví dụ như nước. Mục đích là thay đổi hành vi trên cơ sở bảo đảm một chất lượng sống tương đương, đồng thời, làm cho công chúng nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia vào nỗ lực chung của quốc gia. Hiện nay, ở Thái Lan, ai cũng thuộc và nhớ các khẩu hiệu và bài hát của chiến dịch này cũng như các nội dung tư vấn, nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Từ đó, người dân đều có ý thức cao về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Hàm ý cho Việt Nam

Thông qua những phân tích kinh nghiệm của 2 quốc gia trên, có thể rút ra cho Việt Nam một số kinh nghiệm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như sau:

Một là, phối, kết hợp tốt giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc tăng cường năng lực triển khai các cơ chế hỗ trợ, giám sát và thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các trung tâm tiết kiệm năng lượng cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh/thành phố, như: xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo và chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho hộ dân và doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ người dân 1 triệu đồng/bình khi mua bình nước nóng năng lượng mặt trời là một ví dụ điển hình)... Đồng thời, Chính phủ phải có chế tài xử lý nghiêm minh những trường hợp sử dụng năng lượng lãng phí.

Hai là, các khu công nghiệp, nhà máy nên có kế hoạch cụ thể để bố trí công nhân đi làm vào giờ thấp điểm, ngày nghỉ (có phụ cấp hỗ trợ họ) để giảm bớt tình trạng sử dụng điện quá tải; Khuyến khích doanh nghiệp, người dân trồng cây xanh; Cần ban hành quy định về việc hạn chế sử dụng thang máy và bật điều hòa ở mức vừa phải ở các tòa nhà công sở…

Ba là, cần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Đặc thù của năng lượng tái tạo là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên (nước, nắng, gió, vị trí địa lý…), công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ như: cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ. Ngoài ra, để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo nhỏ và độc lập (không nối lưới), các nghiên cứu cũng cho thấy một “cơ chế cấp tín dụng trực tiếp cho người tiêu dùng” là thích hợp trong điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng bất cứ cơ chế nào cũng nên bổ sung các chế tài hoặc cơ chế khác để phát huy hiệu quả tối đa sự hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.

Bốn là, tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện, nhằm góp phần giảm thiểu chi phí, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với phương châm tuyên truyền sâu rộng, sát thực tế, dễ hiểu, giúp nâng cao nhận thức và sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng nói chung. Cụ thể:

- Cần có những khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ cho người dân như: Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền; Người người tiết kiệm điện, nhà nhà đều có điện; Hãy tắt bớt một bóng đèn bất cứ khi nào bạn có thể.

- Tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình thi đua tiết kiệm điện mở rộng, các cuộc thi khẩu hiệu tiết kiệm điện…

- Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, bằng nhiều cách: hỗ trợ người tiêu dùng, bảo hộ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, thiết bị tiết kiệm năng lượng…

- Phát động phong trào tuyên truyền tiết kiệm điện trong trường học, như: phát cẩm nang tiết kiệm điện, tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình và ngoài xã hội, hướng các em học sinh trở thành những tuyên truyền viên tích cực để vận động người thân trong gia đình cùng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Năm là, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần phải có sự nỗ lực của cả hệ thống, trong đó mọi người dân, tổ chức có cùng một ý chí và mục đích. Từ doanh nghiệp tới người dân phải thực hiện nghiêm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Người dân cần coi việc tiết kiệm năng lượng là trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2010). Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, số 50/2010/QH12, ngày 17/6/2010

2. Brahmanand Mohanty (2008). Về chính sách hiệu quả năng lượng tại các nước ASEAN, bài tham luận tại Hội thảo quốc tế về chính sách năng lượng, ngày 9-10/4/2008, thành phố Hồ Chí Minh

3. Hồ Tấn Triều (2012). Kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản và vận dụng ở Việt Nam, truy cập từ

http://www.cpc.vn/cpc/home/Ttuc_Detail.aspx?pm=ttuc&sj=TK&id=7361#.UjElV9KBkRt

Hoàng Minh Lâm (Phó GĐ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội)

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2013