Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc ở mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Cục Thống kê Quốc gia cho biết vào thứ Sáu (19/10), nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,5 % trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với quý II. Trong khi các nhà phân tích thăm dò ý kiến của Reuters lại dự báo nền kinh tế này có thể mở rộng 6,6% trong quý từ tháng7-9.

Kể từ quý đầu của năm 2009, đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đây là mức tăng trưởng GDP hàng quý hàng năm thấp nhất.

Trên cơ sở hàng quý, tăng trưởng đã chậm lại xuống 1,6 % từ 1,7 % trong quý thứ hai, phù hợp với kỳ vọng tăng trưởng 1,6 %.

Quan trọng hơn, tăng trưởng ở quý II đã được điều chỉnh giảm so với mức 1,8% đã báo cáo trước đó, cho thấy nền kinh tế đã mang lại ít động lực hơn vào nửa cuối năm so với nhiều nhà phân tích đã dự báo.

Các dữ liệu kinh tế gần đây đã chỉ ra sự suy yếu trong nhu cầu nội địa từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sa sút cho đến chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, do nhiều năm chính phủ hạn chế nợ và hoạt động cho vay có mức độ rủi ro cao đã làm tăng chi phí đi vay của doanh nghiệp

Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng cả năm của Trung Quốc sẽ đạt 6,6 % trong năm nay – hoàn toàn có thể đáp ứng mục tiêu 6,5 % của Chính phủ - và 6,3 % trong năm tới.

Bắc Kinh và Washington đã liên tục tung ra các đòn tấn công thuế quan đối với nhau trong những tháng gần đây và các kế hoạch đàm phán thương mại song phương nhằm giải quyết tranh chấp đã bị đình trệ. Việc này gây ra sự chấn động lớn trong thị trường chứng khoán trong nước và gây áp lực lên nền kinh tế cùng đồng nội tệ đang suy yếu của Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng cường các chuyến hàng trước khi chính sách thuế mới của Mỹ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Đây là lý do khiến xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trong tháng 9 và thặng dư thương mại với Mỹ đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, đây lại không phải tin vui với Trung Quốc, bởi nó có thể làm sâu sắc thêm xung đột đã lên tới đỉnh điểm giữa hai cường quốc này.

Tăng trưởng về sản lượng sản xuất từ các nhà máy của Trung Quốc đã giảm xuống còn 5,8 % trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, không đạt được như kỳ vọng trong khi đầu tư tài sản cố định tăng nhanh hơn 5,4 % trong 9 tháng đầu năm.

Mức tăng trưởng về sản lượng sản xuất nhà máy này là thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2016.

Doanh thu bán lẻ tăng 9,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối mặt với nền kinh tế đang suy yếu, thị trường chứng khoán lung lay và đồng Nhân dân tệ chịu nhiều áp lực, các nhà hoạch định chính sách đang chuyển ưu tiên của họ để giảm thiểu rủi ro cho tăng trưởng bằng cách nới lỏng dần chính sách tiền tệ và tài khóa.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng lần thứ tư trong năm nay. Động thái này đã giúp giảm chi phí tài chính xuống thấp hơn trong bối cảnh lo ngại về kinh tế bị ảnh hưởng xấu bởi tranh chấp thương mại với Mỹ.

Thừa nhận những rủi ro này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang cho biết hôm Chủ nhật (14/10), vẫn còn nhiều chỗ để điều chỉnh lãi suất và mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước./.

Dịch từ nguồn:

https://www.reuters.com/article/us-china-economy-gdp/chinas-third-quarter-gdp-growth-slowest-since-2009-misses-expectations-idUSKCN1MS3B1?il=0