Gần một năm sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch lịch sử để giảm bớt các quy định về quyền sở hữu khu vực và các rào cản tiếp cận ngành công nghiệp tài chính trị giá 45 nghìn tỷ USD, thì tốc độ thay đổi trong ngành vẫn không tăng đáng kể. Trong khi ông Tập cho biết rằng việc mở cửa của Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng. Ngay cả trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ, thì ông cũng nói rõ rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không quá vội vàng trong vấn đề này.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết , đất nước mình "đang dần mở rộng việc mở cửa" ngành tài chính trị giá 45 nghìn tỷ USD

Các công ty tài chính lớn nhất thế giới cũng có cùng lập trường. Ngay cả khi họ hoan nghênh sự mở cửa của Trung Quốc, nhiều người vẫn sử dụng một cách tiếp cận thận trọng khi họ cân nhắc tiềm năng to lớn của đất nước trước những thách thức ngắn hạn ngày càng tăng - từ cuộc chiến thương mại đến việc giá cổ phiếu giảm và gia tăng phá sản.

“Các doanh nghiệp đang có thái độ chờ đợi để xem liệu họ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc hay không”, Mark Austen, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Tài chính & Công nghiệp Chứng khoán Châu Á, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Những thay đổi quan trọng nhất được công bố cách đây một năm cho phép các công ty nước ngoài nắm giữ cổ phần đa số trong các công ty chứng khoán địa phương, các nhà quản lý quỹ tương hỗ, các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Cho đến nay, hầu hết các hoạt động đã diễn ra trong thị trường chứng khoán. Các tập đoàn UBS Group AG, JPMorgan và Nomura Holdings đều đã nộp đơn đăng ký mua phần lớn cổ phần trong các công ty liên doanh giữa họ và Trung Quốc. Morgan Stanley và Credit Suisse dự kiến sẽ đăng ký mua sau đó. Trong khi Bắc Kinh vẫn chưa ký quyết định, nhưng các quy định cho phép các doanh nghiệp do nước ngoài quản lý hoạt động có thể sớm được phê duyệt.

Không khó để hiểu được sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với các ngân hàng đầu tư toàn cầu. Với trị giá lần lượt 5,6 nghìn tỷ USD và 11 nghìn tỷ USD, thị trường chứng khoán và nợ của quốc gia này hiện đang đứng thứ ba thế giới về quy mô. Và, tầm quan trọng của những thị trường này sẽ ngày càng lớn mạnh khi các nhà hoạch định chính sách quyết định giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các khoản vay ngân hàng. Đối với những công ty chứng khoán toàn cầu, điều này có nghĩa là sẽ có nhiều cơ hội cho giới môi giới, tư vấn và lĩnh vực phí bảo lãnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi này. Goldman Sachs vẫn chưa nộp đơn đăng ký một phần là do sự không chắc chắn về cách thức các quy định mới sẽ được thực hiện cũng như do môi trường kinh doanh rộng mở hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Cả Citigroup và Bank of America cũng đều chưa có kế hoạch đăng ký mua cổ phần.

Cho tới nay, hầu như không có hoạt động gì diễn ra trong khu vực quỹ tương hỗ, dù các nhà phân tích đã dự báo rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài sớm hay muộn cũng sẽ đăng ký mua cổ phần đa số của các nhà quản lý địa phương. Các quỹ tương hỗ hiện nắm giữ khoảng 2 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc và có nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tầng lớp trung lưu của đất nước này ngày càng giàu lên và các nhà quản lý đã phá vỡ nguồn cạnh tranh chủ yếu cho tiền mặt của nhà đầu tư: các sản phẩm quản lý tài sản được bảo lãnh ngầm do các ngân hàng cung cấp.

Đối với khu vực bảo hiểm, Bloomberg vẫn chưa tìm được một công ty nước ngoài nào có kế hoạch đăng ký mua cổ phần chi phối tại Trung Quốc. Nguyên nhân đằng sau tình trạng này có lẽ là bởi đây là ngành duy nhất trong khu vực tài chính mà các nhà hoạch định chính sách chưa hoàn chỉnh quy định.

Mặc dù các quy định mới của Trung Quốc đã xóa hoàn toàn giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng thương mại, nhưng chưa có ngân hàng nào công khai bày tỏ mong muốn tăng sở hữu nước ngoài, một phần có lẽ là bởi quy định vốn dự trữ tối thiểu cao nghiêm ngặt khiến giá mua cổ phần quá cao, chỉ phù hợp cho các đối tác quốc tế lớn. Ngay cả khi các đối tác nước ngoài có nguồn lực để mua cổ phần đa số của một ngân hàng nhỏ, chính quyền các địa phương, và đồng thời là chủ sở hữu chính của các ngân hàng, thường rất ngần ngại trong việc bán ra.

“Trung Quốc sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát các ngân hàng nhà nước chủ chốt hay toàn bộ hệ thống ngân hàng”, Lian Ping, trưởng nhóm kinh tế tại Bank of Communications có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.

Nhưng, có lẽ rào cản lớn nhất đối với các ngân hàng quốc tế, bao gồm cả những ngân hàng đã có mặt tại Trung Quốc, là sự thiếu hụt cơ hội tăng trưởng ngắn hạn của đất nước. Ngoài khoản nợ đã chạm mốc 266% GDP (cao hơn mức nợ của Mỹ trong khủng hoảng tài chính 2008), các công ty nội địa hiện đang không thể thanh toán trái phiếu với tỷ lệ cao kỷ lục và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất kể từ năm 2009. Các nhà quản lý đã cố gắng thúc đẩy các ngân hàng trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân.

“Nhiều ngân hàng nước ngoài đã nắm giữ cổ phần và họ còn yêu cầu thêm vốn để mua thêm”, Logan Wright, Giám đốc của doanh nghiệp nghiên cứu Rhodium tại Hồng Kông, cho biết. “Tôi không biết động lực nào thúc đẩy những tổ chức có ý định tăng nhanh cổ phần trong một vài năm tới”./.

Dịch từ nguồn:

https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-11-11/wall-street-s-45-trillion-china-dream-inches-toward-reality