Hôm thứ 2 (ngày 11/3), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi đến Quốc hội Mỹ bản kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2020 ở mức kỷ lục 4,75 nghìn tỷ USD nhằm tăng chi tiêu quân sự và cắt giảm mạnh chi ngân sách cho các chương trình trong nước như giáo dục và bảo vệ môi trường.

Đây là gói ngân sách lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, bao gồm mức tăng chi tiêu quân sự lên gần 5% - nhiều hơn cả con số Lầu Năm Góc yêu cầu - và thêm 8,6 tỷ USD để xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

Tổng thống Trump đề xuất gói ngân sách lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ

Cũng trong gói đề xuất ngân sách dành cho năm 2020 - năm bản lề của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chính quyền của ông Donald Trump đã cắt một loạt khoản chi, từ một số khoản trợ cấp liên bang cho nông dân cho đến các chương trình chăm sóc y tế cho người nghèo và người già.

Quan trọng hơn, nó cũng cắt viện trợ của Mỹ cho các nước khác tới 13 tỷ USD. Ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan bảo vệ môi trường cũng lần lượt bị đề xuất giảm 23% và 31%.

Đi cùng với gói ngân sách là đề xuất tìm kiếm việc làm mới cho các đối tượng trong độ tuổi lao động hiện thụ hưởng chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung, hỗ trợ nhà ở và trợ cấp y tế. Chính quyền Mỹ cho biết, đề xuất có thể giúp cắt giảm 327 tỷ USD chi phí cho các chương trình này trong một thập nên.

Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu cắt giảm 5% khoản chi tiêu tùy ý, tương đương 100 tỷ USD, so với hạn mức được Quốc hội quy định cho năm 2019.

Nếu đề xuất được triển khai, ngân sách Mỹ sẽ không thể cân bằng trong 15 năm, trái với cam kết trả toàn bộ nợ công trong tám năm của ông Trump trong cuộc tranh cử hồi năm 2016. Ngoài ra, đề xuất cũng có thể gây thâm hụt hàng nghìn tỷ USD ngân sách trong bốn năm liên tiếp kể từ 2019.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện gọi đề xuất là "cú đấm vào mặt tầng lớp trung lưu Mỹ". Ông cho rằng, những cắt giảm của Tổng thống Trump cho chương trình y tế, an sinh xã hội, cũng như những chương trình khác là phá lối, nhưng không lấy làm bất ngờ trước hành động này.

Việc ông Trump đưa ra đề xuất là đúng quy trình xây dựng ngân sách của Mỹ. Nhưng việc có bao nhiêu trong số này sẽ được thông qua ở Quốc hội lại là chuyện khác.

Theo quy trình, cả Hạ viện và Thượng viện sẽ cùng xây dựng ngân sách dựa trên đề xuất của Tổng thống. Sau khi đạt được một đề xuất ngân sách chung của quốc hội và lần lượt thông qua tại lưỡng viện, nó sẽ được đẩy tới bàn Tổng thống để ký ban hành thành luật. Tuy nhiên, Tổng thống có quyền phủ quyết và đây là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa hai lần trong hai năm qua.

Dù quốc hội có thông qua yêu cầu của Tổng thống hay không, động thái này sẽ giúp khẳng định lập trường cứng rắn về an ninh biên giới của ông Trump, một điều quan trọng đối với tham vọng tái tranh cử của người đứng đầu Nhà Trắng khi cuộc đua 2020 đang trong giai đoạn khởi động./.