Hôm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố báo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2019 và một cơ sở dữ liệu trực tuyến có tên là Cơ sở dữ liệu các chỉ số chính.

Báo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2019 trình bày những số liệu thống kê mới nhất của một tập hợp toàn diện các chỉ số về kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường, gồm cả cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững đối với 49 quốc gia thành viên trong khu vực của ADB.

Trong khi đó, Cơ sở dữ liệu các chỉ số chính cho phép tiếp cận hơn 1.000 chỉ số thống kê từ năm 2000 tới nay, trên một giao diện thân thiện với người dùng và dễ dàng truy cập.

Các số liệu trong báo cáo Các chỉ số chính 2019 cho biết, số người nghèo cùng cực tại châu Á và Thái Bình Dương đã giảm từ 1,1 tỷ người trong năm 2002 xuống còn 264 triệu người trong năm 2015. Tỷ lệ của khu vực này trong tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (tính theo giá USD hiện thời) đã vượt mức một phần ba trong năm 2018, trong khi vai trò của khu vực trong các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và với tư cách điểm đến của các sản phẩm giá trị cao hơn cũng đang mở rộng. Trong năm 2000, châu Á tạo ra 23,0% thu nhập từ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu trên thế giới và con số này đã tăng lên tới 30,2% vào năm 2018.

Châu Á – Thái Bình Dương đang gia tăng đóng góp cho kinh tế toàn cầu

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận xét: “Các chỉ số chính 2019 cho thấy khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang gia tăng đóng góp mạnh mẽ của khu vực này trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như trong việc theo đuổi các Mục tiêu Phát triển bền vững. Khi khu vực đạt được tiến triển hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững, những số liệu chi tiết, đáng tin cậy và kịp thời luôn có vai trò hết sức quan trọng trong việc hoạch định, thực thi và giám sát các chính sách và tiến bộ”.

Báo cáo này bao gồm một phần bổ sung đặc biệt về việc sử dụng phương pháp phỏng vấn cá nhân với sự hỗ trợ của máy tính (CAPI), hay việc thu thập dữ liệu khảo sát sử dụng các thiết bị số hóa cầm tay như máy tính bảng và điện thoại thông minh. Một nghiên cứu về việc sử dụng các kỹ thuật CAPI ở ba quốc gia – gồm Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Sri Lanka và Việt Nam – cho thấy rằng các kỹ thuật này có thể làm giảm tổng số sai sót trong thu thập dữ liệu và hiệu quả hơn về mặt chi phí trong các cuộc khảo sát quy mô lớn./.

ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Trong năm 2018, ADB đã hỗ trợ các khoản vay và viện trợ mới trị giá 21,6 tỷ USD. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực