Theo Tuyên bố chung mang tên “Kế hoạch hành động Brisbane” đưa ra sau hội nghị , các nhà lãnh đạo G-20 cam kết thực hiện cải tổ để tăng GDP toàn khối thêm 2,1% vào năm 2018, tương đương với việc bơm hơn 2.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn. Ít nhất 800 biện pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã được đề ra.

Thủ tướng Úc Tony Abbott cho rằng, những cải cách kinh tế sẽ tạo ra hàng triệu việc làm. Ông cũng vạch ra kế hoạch để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động toàn cầu, cũng như xử lý việc lách thuế của các công ty đa quốc gia.

Lãnh đạo G20 của các nền kinh tế giàu có và mới nổi

“Kế hoạch hành động Brisbane” bao gồm một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng, thỏa thuận thành lập trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu ở Sydney, thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tạo ra hệ thống các quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn. G20 cũng đề ra hàng loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm như nhất trí triển khai Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu, đặt mục tiêu giảm chênh lệch lao động nam nữ xuống 25% vào năm 2025, nhất trí Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016; tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu….

Tuy nhiên, việc G20 có thực hiện được mục tiêu tham vọng đề ra hay không đang là một câu hỏi lớn, cho dù đây là tổ chức tập hợp của 20 nền kinh tế mạnh nhất và chiếm tới 85% tổng giá trị kinh tế của thế giới.

Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng mục tiêu tăng 2% GDP vào năm 2018 hoàn toàn không khả thi do kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi yếu và thiếu bền vững; các nền kinh tế đang nổi có xu hướng “giảm tốc” tăng trưởng để ngăn chặn nợ xấu và kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng gắn với nhiều điểm nóng trên thế giới; nạn tham nhũng ngày càng tinh vi và sự ra đời những mánh khóe trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia…

Phóng viên BBC James Landale từ Brisbane cũng nhận định, đây là một mục tiêu khá tham vọng cho các nền kinh tế G20 đang phải vật lộn với suy thoái hoặc tăng trưởng rất ít.

Các nhà lãnh đạo G-20 cũng đồng ý tham gia sáng kiến toàn cầu nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt 70.000 tỉ USD đầu tư vào hạ tầng toàn cầu trước năm 2030 bằng nỗ lực cắt giảm nạn quan liêu, tăng đầu tư công.

Bên cạnh đó, G-20 nhấn mạnh sẽ nỗ lực chống biến đổi khí hậu và đại dịch Ebola. Mỹ cam kết đóng góp 3 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Nhật cũng sẽ hỗ trợ 1,5 tỉ USD cho quỹ này.

Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những “ cơn gió ngược” từ tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở châu Âu và Nhật Bản cũng như một số nền kinh tế đang nổi lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán, tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm nay chỉ đạt 3,3% so với mức 3,4% dự đoán trước đó, do những căng thẳng về địa chính trị cùng sự không chắc chắn của thị trường tài chính. Với những cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đánh giá hội nghị G20 lần này diễn ra khá hiệu quả. Sự đồng thuận chung trong chính sách hành động là chìa khóa để tạo ra sự tăng trưởng bền vững và tạo nhiều việc làm. Tuy nhiên, bà Lagarde nhấn mạnh, việc thực hiện các kế hoạch này mới thực sự quan trọng và cần có sự giám sát chặt chẽ. /.

Nguồn:

http://www.bbc.com/news/world-australia-30072674

http://www.afr.com/p/national/leaders_say_growth_target_at_risk_7mPQDlC8FfbLItg8PQUBFM

http://vov.vn/thegioi/hoi-nghi-g20-be-mac-cam-ket-vi-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-365036.vov