Là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Brisbane (Australia) vào tháng 11 tới, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra ý kiến về gói chính sách nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng là nâng tổng GDP của G20 thêm 1,8% đến năm 2018.

Theo đó, các nền kinh tế G20 - hiện chiếm khoảng 85% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và 2/3 dân số thế giới - sẽ phát triển các chính sách tham vọng nhưng thực tiễn để nâng GDP của nhóm tăng liên tục trong những năm tới. G20 xem đây là một phần của các biện pháp nhằm duy trì tính bền vững hệ thống tiền tệ và sự ổn định của ngành tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Hockey phát biểu: "Trong khi nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi thì tăng trưởng lại không đồng bộ. Chúng ta có thể thấy rõ các nguy cơ đối với triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tôi lạc quan về những gì chúng ta có thể làm được nếu chúng ta có sự phối hợp đồng bộ với nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng của tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chúng ta sẽ phải sử dụng tất cả các biện pháp đòn bẩy bao gồm cả các biện pháp đòn bẩy về tài chính và tiền tệ sao cho phù hợp”.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Canada Joe Oliver cũng đã đánh giá cao về khả năng thực thi các giải pháp được các nước thành viên G20 đưa ra: “Tôi tin tưởng rằng nếu G20 thực thi được tất cả các biện pháp này, thì chúng tôi có thể tiến tới mục tiêu tăng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của G20 lên gần 2%”.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu nâng tổng GDP của G20 thêm 1,8% trong 5 năm tới đang trở nên khó khăn trong bối cảnh an ninh toàn cầu ngày một phức tạp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, căng thẳng chính trị, chấp nhận rủi ro quá mức cộng với tham nhũng là các nguy cơ mới đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị G20 tại Cairns lần này, IMF chỉ ra rằng mặc dù tốc độ phục hồi đã tương đối ổn định nhưng các khó khăn kinh tế và nguy cơ vẫn đang hiện diện tại Mỹ, khu vực đồng Euro, Trung Quốc, Nga cũng như một số nền kinh tế chủ chốt trong nhóm G20. Thực trạng này có thể khiến tăng trưởng GDP thế giới không thể đạt mức 3,6% như dự báo công bố hồi tháng 4 vừa qua.

Các nguy cơ mới đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu không hề nhỏ. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, các nước G20 cần đưa ra những hành động mới, như: giải quyết bất đồng trong chính sách, linh hoạt trong tỷ lệ lãi suất, tăng cường tiềm năng phát triển… để tạo ra sự tác động tích cực giữa các nền kinh tế cũng như nền kinh tế thế giới. Ngay trước thềm hội nghị tại Australia lần này, IMF đã hối thúc nhóm G20 triển khai các bước đi mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị phủ bóng bởi những bất ổn an ninh./.