Ngập lụt ở Jakarta, Indonesia/Ảnh: New York Times

Swiss Re - một công ty bảo hiểm lớn của Thụy Sỹ - cảnh báo, nếu thế giới không nhanh chóng làm giảm tốc độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ tăng có khả năng làm giảm đáng kể sự thịnh vượng toàn cầu vào năm 2050, khi năng suất cây trồng giảm, dịch bệnh lây lan và nước biển dâng nhấn chìm các thành phố ven biển.

Theo báo cáo của Swiss Re, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm 11% đến 14% sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2050 so với kịch bản tăng trưởng không có biến đổi khí hậu, tương đương với thiệt hại lên tới 23 nghìn tỷ USD của kinh tế toàn cầu.

Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu theo hình thức trực tuyến tại Washington do Tổng thống Mỹ Biden chủ trì. Tổng thống Mỹ đã thúc giục các quốc gia hành động mạnh mẽ hơn nữa để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Biden cam kết, Mỹ sẽ cắt giảm khoảng một nửa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.

Theo Swiss Re, nếu các quốc gia thành công trong việc giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng trên 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp - mục tiêu được đặt ra bởi thỏa thuận Paris năm 2015 - thì những tổn thất kinh tế cho đến giữa thế kỷ 21 sẽ rất thấp.

Nhưng mức phát thải hiện tại còn xa so với các mục tiêu đó. Nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng lên 2,6 độ vào năm 2050 nếu vẫn phát triển theo quỹ đạo hiện tại.

Báo cáo ước tính, nếu điều đó xảy ra, kinh tế Mỹ sẽ giảm 7% so với kịch bản thế giới không xảy ra biến đổi khí hậu. Các nước phương Tây giàu có khác, bao gồm Canada, Anh và Pháp, có thể sụt giảm từ 6% đến 10% sản lượng kinh tế.

Ở những quốc gia nghèo hơn lại càng có ít khả năng thích ứng về mặt cơ sở hạ tầng và kinh tế, thì hậu quả sẽ còn thảm khốc hơn nhiều.

Ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu được giữ ở mức tăng 2 độ C, thì tăng trưởng của Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ thấp hơn 20% so với mức mong đợi vào năm 2050, Swiss Re ước tính. Thậm chí, với kịch bản tăng 2,6 độ, mỗi quốc gia sẽ giảm 1/3 của cải so với trường hợp không biến đổi khí hậu.

Và đó chưa phải là trường hợp xấu nhất. Swiss Re cũng lượng hóa tác động kinh tế của mức tăng 3,2 độ vào năm 2050 – một "trường hợp rất nghiêm trọng".

Nếu điều đó xảy ra, kinh tế Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ giảm gần một nửa so với kịch bản không có biến đổi khí hậu. Nền kinh tế Indonesia sẽ giảm 40%, trong khi kinh tế Ấn Độ giảm 35%./.