Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 29 tỷ USD

Ngày 27/12, Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 3.500 tỷ yen (29 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng thuế.
Phát biểu tại một cuộc họp với các nghị sỹ ngay trước khi Nội các Nhật Bản thông qua gói kích thích trên, ông Abe nêu rõ: "Với việc nhanh chóng triển khai các biện pháp này, tôi nghĩ chúng ta có thể thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện kinh tế các tỉnh, đồng thời kéo dài chu kỳ tăng trưởng (kinh tế) tích cực trên toàn quốc."
Trong gói kích thích kinh tế trên, 600 tỷ yen dành cho các chương trình thúc đẩy kinh tế địa phương, 1.200 tỷ yen dành cho các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ, còn 1.700 tỷ yen sẽ dùng để tái thiết các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, như thảm họa sóng thần năm 2011 và các vụ lở đất trong năm nay.

IMF: Giá dầu rẻ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo hai nhà kinh tế cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xu hướng dầu mỏ giảm giá có khả năng sẽ kéo dài và "góp phần" đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng thêm 0,7 điểm phần trăm trong năm 2015.
Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF và người đứng đầu nhóm nghiên cứu thị trường hàng hóa Rabah Arezki của IMF, cho biết giá dầu giảm có thể nâng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm khoảng 0,3- 0,7 điểm phần trăm từ dự báo tăng trưởng toàn cầu của IMF là 3,8% hồi tháng 10.
Cụ thể, theo hai ông này, giá dầu rẻ có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng 0,4-0,7 điểm phần trăm trong năm 2015 từ con số do IMF ước tính là 7,1%, với điều kiện chính sách kinh tế ổn định. Con số trên có thể tăng thêm 0,5-0,9 điểm phần trăm trong năm 2016.

Lạm phát tại Eurozone có thể sẽ ở mức âm trong thời gian tới

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí hôm cuối tuần, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Vitor Constancio cho biết ông dự đoán tỷ lệ lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ ở mức âm trong các tháng tới, nhưng nhấn mạnh đó chỉ là hiện tượng nhất thời chứ không dẫn tới nguy cơ giảm phát tại khu vực này.
Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng 11 đã tụt xuống còn 0,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá năng lượng giảm và thấp hơn mức mục tiêu khoảng 2% mà ECB đặt ra.
Vào đầu tháng 12, ECB đã dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ ở mức khoảng 0,7% trong năm 2015. Ông Constancio cho biết hiện ECB dự kiến lạm phát sẽ ở mức âm trong vài tháng tới và các ngân hàng trung ương cần phải theo dõi sát sao tình hình về lạm phát.

Tỷ giá hối đoái đồng ruble Nga trở lại chỉ số hồi đầu tháng

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, ngân hàng Trung ương Nga thông báo tỷ giá chính thức giữa đồng ruble và đồng USD của ngân hàng này trong ngày 27/12 là 52,0343 ruble/ USD. Như vậy, đồng nội tệ Nga đã tăng giá 1,12% so với hôm 26/12.
Tỷ giá chính thức giữa đồng ruble và đồng Euro ngày 27/12 là 63,5131 ruble/Euro, tăng 1,27%.
Trước đó, đồng ruble đã giảm xuống mức thấp nhất trước sự lao dốc của giá dầu, nguồn thu chủ chốt của kinh tế Nga, và các biện pháp cấm vận hay trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với nước này do liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. /.