Mỹ phục hồi vững chắc

Tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi vững chắc. GDP Mỹ quý III/2014 tăng 3,6%, đạt mức cao nhất tính từ quý I/2012. Thâm hụt ngân sách Mỹ giảm xuống rất thấp còn 2,8% GDP. Mỹ là nước duy nhất giải quyết được hai vấn đề nợ công và phục hồi tăng trưởng cùng một lúc.

Kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ

Kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ, tính theo sức mua tương đương (PPP). Năm 2014, GDP tính theo PPP của Trung Quốc đạt 17.600 tỷ USD trong khi của Mỹ là 17.400 tỷ USD. Cũng trong năm 2014, kinh tế Trung Quốc sẽ chiếm 16,48% tổng GDP toàn cầu, trong khi của Mỹ là 16,28%.

Kinh tế châu Âu trì trệ

Kinh tế EU đình trệ. Tăng trưởng GDP trong quý 2 năm 2014 chỉ đạt 0,1%, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu và nguy cơ giảm phát "rình rập", khu vực sử Eurozone đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái mới và trở thành mối "đe dọa" lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang triển khai nhiều biện pháp chống giảm phát như hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, bơm một lượng vốn chưa từng có với lãi suất thấp cho các ngân hàng theo chương trình tái cấp vốn theo mục tiêu, tiến hành chương trình mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo, đồng thời chuẩn bị cho khả năng khởi động một chương trình kích thích tăng trưởng quy mô lớn hơn.

Nhật Bản suy thoái

Nhật Bản suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm. Quý II tăng trưởng -1,9% và quý III là -0,5%. Sự sụt giảm tiêu dùng trong quý II do việc tăng thuế tiêu thụ từ mức 5% lên 8% của chính phủ ông Abe đã gây ra giảm sút đầu tư kinh doanh quý III ở mức 0,4%.

Việc tăng thuế tiêu thụ ngay sau những kích thích tăng trưởng có dấu hiệu tốt được cho là chính sách sai lầm. Nhật Bản đã quá nôn nóng muốn có thành công kép là vừa có tăng trưởng, lại vừa giải quyết được nợ công như Mỹ. Điều này buộc chính quyền ông Abe phải lui kế hoạch tăng thuế tiếp theo một thời gian nữa.

Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga

Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Nga cũng có hành động trả đũa. Các động thái này tác động đến tình hình kinh tế Nga và Liên minh châu Âu (EU), khiến số vốn chảy khỏi nền kinh tế Nga có thể lên tới 120 tỷ USD trong năm nay. Các biện pháp trừng phạt này cộng với giá dầu sụt giảm đẩy đồng ruble (rúp) xuống mức thấp kỷ lục, có lúc chỉ còn 80 ruble đổi 1 USD, và khiến kinh tế Nga có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2015.

Giá dầu giảm mạnh

Giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua, có thời điểm xuống dưới 60 USD/thùng đối với dầu Brent Biển Bắc và chưa tới 55 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ New York. Nguyên nhân chủ yếu là các nước giảm lượng tiêu thụ trong khi nguồn cung dồi dào. Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh tới nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế

Trong bối cảnh vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu Doha bế tắc kéo dài và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng liên kết kinh tế dưới hình thức các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực tiếp tục được thúc đẩy và dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Mỹ do dự trong đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa hai bên và ưu tiên cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Trong khi đó, ASEAN và các nước đối tác nghiên cứu Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ebola ảnh hưởng kinh tế Tây Phi

Dịch bệnh Ebola đe dọa các nền kinh tế Tây Phi, ảnh hưởng đến du lịch và gây lo ngại trên toàn cầu. Sự bùng phát của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi đã khiến hàng nghìn du khách hủy bỏ hoặc hoãn các chuyến bay đi và đến "lục địa Đen", ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Theo Ngân hàng Thế giới, bệnh dịch Ebola, nếu lan rộng ra bên ngoài Guinea, Liberia, và Siera Leone có thể gây thiệt hại lên đến 32,6 tỷ USD cho khu vực Tây Phi vào năm 2015.

Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ

Hơn nửa thế kỷ cô lập không đem lại kết quả là lý do chính khiến Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ với người hàng xóm không thân thiết - Cuba. Bước ngoặt trên trong quan hệ 2 nước là kết quả của những cuộc hội đàm bí mật kéo dài suốt 18 tháng giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro mà Canada và Giáo hoàng Francis làm trung gian. Tuy bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng Mỹ vẫn chưa gỡ bỏ hoàn toàn các cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính bởi điều này cần được Thượng viện xem xét thông qua. Dự đoán đây sẽ là một khó khăn mà ông Obama phải đối mặt bởi một số nghị sĩ chủ chốt của Đảng Cộng hòa - đảng chiếm đa số lưỡng viện không hề ủng hộ bất kỳ sự tan băng nào dù là nhỏ nhất đối với Cuba.

BRICS thành lập ngân hàng phát triển chung

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ở Brazil tháng 7/2014, BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và nhất trí thành lập Quỹ Dự trữ Khẩn cấp (CRA). Việc thành lập NDB làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và CRA như một Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhỏ là bước đi đầu tiên của BRICS hướng tới việc tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu vốn do phương Tây chi phối./.