Bất chấp nền kinh tế đang khó khăn

Quy mô ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4/2015 và kết thúc vào cuối tháng 3/2016 tăng 2% so với tài khóa trước đó. Như vậy, Chính phủ Nhật Bản đã tăng chi tiêu quốc phòng trong 3 năm liên tiếp kể từ khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng.

Thủ tướng Abe kiểm tra máy may chiến đấu ở Ibaraki

Theo Reuters, riêng khoản mua sắm tàu chiến, máy bay và các phương tiện bảo vệ bờ biển khác đã tăng 2,8%. Nhật Bản sẽ dùng chi phí quốc phòng mới mua các máy bay chở quân Osprey của tập đoàn Boeing, máy bay giám sát không người lái Global Hawk của tập đoàn Northrop Grumman Corp, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin Corp, tàu ngầm săn máy bay P-1 và tàu ngầm tàng hình Soryu của hãng Kawasaki Heavy Industries Ltd.

Ngân sách cũng bao gồm chi tiêu để di chuyển quân đội Mỹ ra khỏi đảo Okinawa, nơi mà người dân địa phương đã phản đối sự hiện diện của Mỹ.

Việc Chính phủ Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục dành cho chi tiêu quốc phòng bất chấp nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cho thấy nỗi quan ngại ngày càng gia tăng của Nhật Bản đối với tình hình an ninh trong khu vực. Trong những năm gần đây Nhật Bản đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với tranh chấp biển đảo và khẳng định sẽ không nhượng bộ đối với các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.

Người dân Nhật Bản có những phản ứng trái chiều sau quyết định của Chính phủ.

Ông Toyama, người dân Nhật Bản cho biết: “Những nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên dùng một phần ngân sách lớn hơn Nhật Bản rất nhiều cho quốc phòng. Mức chi tiêu của chúng tôi chưa là gì cả. Nhật Bản cần có khả năng tự vệ trước các hành động đe dọa của nước khác”.

Còn ông Uezu thì cho rằng: “Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, việc chi tiêu nhiều tiền như vậy cho quốc phòng là không cần thiết. Thà Chính phủ dành khoản tiền này hỗ trợ các nước đang phát triển còn mang lại nhiều ý nghĩa hơn. Mối quan hệ thân thiện với các nước chính là nền tảng cho sự hòa bình của Nhật Bản”.

Trung Quốc nói gì?

Chỉ vài tiếng sau khi Nhật công bố ngân sách quân sự thường niên lớn chưa từng có, chính phủ Trung Quốc ngày 14/1 cho biết đang theo dõi chặt chẽ nước láng giềng này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ thấm thía những bài học của lịch sử, đi theo lộ trình phát triển hòa bình, tích cực đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực”.

Động thái tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục của Nhật Bản được cho là phản ánh định hướng chiến lược quân sự mới của Thủ tướng Shinzo Abe, được gọi là "Chủ nghĩa hòa bình tích cực".

Theo chiến lược này, Nhật Bản cần nỗ lực tăng cường tối đa năng lực bảo vệ an ninh, đặc biệt là trước những tham vọng của Trung Quốc cũng như các mối đe dọa đến từ Triều Tiên.

Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức hồi cuối năm 2012, ngân sách quốc phòng chứng kiến xu hướng tăng 3 năm liên tiếp, bất chấp nền kinh tế đang găp nhiều khó khăn.

Trước diễn biến này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết: “Tình hình xung quanh Nhật Bản đang thay đổi. Mức độ chi tiêu quốc phòng phản ánh số tiền cần thiết để bảo vệ hải phận, không phận và địa phận của Nhật Bản, bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân”. Ông lưu ý rằng tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn ở gần vùng nước của Nhật, và máy bay chiến đấu cũng tiến “gần quá mức bình thường” với máy bay của Nhật.

Dù vậy, theo các nhà quan sát, mức độ tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật vẫn còn "khiêm tốn" so với tốc độ tăng hơn 10% chi phí quân sự của Trung Quốc. Theo đó, mức ngân sách quốc phòng 42 tỷ USD của Nhật vẫn thua xa mức chi 132 tỷ USD của Trung Quốc cho quân đội hồi năm ngoái. Trung Quốc là nước có mức chi tiêu quân sự cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 557 tỷ USD cho năm 2015, trong đó bao gồm các khoản chi cho chiến dịch quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho phép chi một khoản ngân sách cơ bản cho Lầu Năm Góc trị giá 496 tỷ USD, theo như đề xuất của ông Obama, cộng với gần 64 tỷ USD cho các cuộc chiến ở nước ngoài. Khoản ngân sách còn lại 17,9 tỷ USD được chi cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng./.