Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ giảm ở mức thấp nhất trong 6 năm qua

Giá dầu tụt dốc nhanh chóng là yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 12 vừa qua xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, để ngỏ khả năng Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp.
Theo dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 16/1, CPI trong tháng 12 giảm 0,4% chủ yếu nhờ dầu thô trên thị trường thế giới mất giá tới hơn một nửa chỉ trong 6 tháng cuối năm.
Mức CPI trên tương ứng với dự đoán trước đó của các giới phân tích và là lần giảm trong hai tháng liên tiếp khi CPI của tháng trước đó giảm 0,3%.
Báo cáo của bộ trên còn cho hay trong vòng 12 tháng qua, CPI của Mỹ chỉ tăng 0,8%, thấp hơn nhiều mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Chỉ số này cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008 khi CPI vào thời điểm đó chỉ tăng 0,1%.

WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015

Ngày 13/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2015 và 2016.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo “Global Economic Prospects” cho biết WB nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 có thể chỉ ở mức 3,0%, thay vì 3,4% như trong báo cáo công bố hồi tháng 6/2014.
Theo tổ chức tài chính lớn nhất thế gIới này, sang năm 2016, kinh tế toàn cầu dự báo cũng sẽ chỉ đạt 3,3%, so với mức dự báo 3,5% đưa ra trong báo cáo lần trước và năm 2017 thậm chí còn thấp hơn, dự kiến có thể chỉ đạt 3,2%.
Báo cáo cho biết nguyên nhân giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là vì viễn cảnh kinh tế Khu vực đồng Euro và kinh tế Nhật Bản không mấy sáng sủa.

Ấn Độ sẽ đuổi kịp Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, các phương tiện truyền thông Ấn Độ ngày 15/1 đưa tin kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay và sẽ đuổi kịp tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vào đầu giai đoạn 2016-2017.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) Kaushik Basu nhận định: “Chuyển biến tích cực trong lĩnh vực kinh tế của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh những cải cách mới của chính quyền Narendra Modi cũng như do việc giá dầu thế giới giảm mạnh."
Theo đánh giá của ông Basu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhưng sẽ bắt đầu giảm dần từ 7,4% trong năm 2014 xuống 6,9% trong năm 2017. Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tốc từ 5,6% trong năm 2014 lên đến 8% trong trung hạn, vào khoảng năm 2017."
Chuyên gia kinh tế WB cho rằng hai nước sẽ ngang hàng nhau về tốc độ phát triển kinh tế trong năm 2016.

Nga: Lạm phát giá hàng tiêu dùng tăng gần 12% do kinh tế khó khăn

Ngày 12/1, Cơ quan Thống kê Liên bang Nga ngày chính thức xác nhận năm 2014 giá hàng tiêu dùng trong nước tăng 11,4% và một loạt các mặt hàng chỉ trong tháng 12/2014 đã tăng từ hai tới ba lần.

Theo cơ quan này, trong tháng 12/2014, giá hàng tiêu dùng ở Nga tăng 2,6%, lạm phát năm 2014 ở mức 11,4%. Giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao hơn. Trong tháng 12/2014, giá thực phẩm tăng 3,3%, trong khi trong giai đoạn tháng 12/2014-1/2015, giá tăng tới 15,4%.

Lần đầu tiên kể từ năm 2008, lạm phát hàng năm của Nga chính thức ở mức hai con số, trong khi dự đoán ban đầu lạm phát năm 2014 của Bộ Phát triển Kinh tế Nga là 4,5-5,5%./.