Tiếp tục trừng phạt

Ngày 19/1, tại thủ đô Brussel, các ngoại trưởng EU đã nhóm họp và quyết định duy trì các lệnh trừng phạt Nga. Theo Reuters, bất chấp việc bà Federica Mogherini, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về đối ngoại đề xuất xem xét lại chính sách hành xử với Nga của Liên minh châu Âu, các ngoại trưởng EU vẫn khẳng định, chỉ khi nào Nga thực thi triệt để các thỏa thuận về Ukraine đã ký hồi tháng 9/2014, còn không mọi việc vẫn như cũ.

Bà Federica Mogherini cũng cảnh báo tình hình tại Ukraine đang “tồi tệ hơn nhiều” trong vài tuần gần đây. Bà nhấn mạnh: “Các diễn tiến tại Ukraine hiện nay không hề tích cực mà ngược lại”.

Bà Federica Mogherini, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về đối ngoại

Các lệnh trừng phạt kinh tế của 28 nước thành viên EU áp đặt lên Nga sau cuộc sát nhập Crimea hồi tháng 3/2014 và được tăng cường thêm sau vụ chiếc máy bay MH17 của hàng không Malaysia bị bắn rơi hồi tháng 7.

Tuy nhiên, trong thông báo ngắn trước cuộc họp các ngoại trưởng EU ngày 19/1, bà Mogherini yêu cầu các vị bộ trưởng cùng nhìn vấn đề xa hơn cuộc khủng khoảng Ukraine để xem xét liệu EU và Nga có thể hợp tác nhiều hơn trong những mối quan tâm chung như Syria, Iraq và chủ nghĩa khủng bố.

Một đề xuất khác của bà Mogherini cũng gây tranh luận là cần phân biệt giữa các lệnh trừng phạt liên quan tới việc sát nhập Crimea hồi tháng 3 và các lệnh trừng phạt Nga vì hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine.

EU chia rẽ

Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên lên nước Nga vào tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Các nước phương Tây đã đóng băng tài sản và cấm thị thực của nhiều cá nhân cũng như cấm các công ty Nga hoạt động và huy động vốn từ thị trường EU.

Liên tiếp sau đó vào tháng 7 và tháng 9, phương Tây lại áp đặt thêm hai gói trừng phạt mới lên nước này với lí do Nga có liên quan đến các cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine. Ngoài các cá nhân và công ty, các ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga đã bị ảnh hượng nặng nề.

Tính đến đầu tháng 9/2014, khoảng 420 công dân Nga và 143 công ty đã bị liệt vào danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Thuỵ Sĩ và Na Uy, theo Itar Tass.

Tuy vậy, lâu nay EU vẫn không hoàn toàn đồng thuận trong các lệnh trừng phạt bởi các quốc gia này có những liên hệ mật thiết về chính trị và thương mại với Nga như Đức và Italy đều tỏ ra miễn cưỡng thực thi các lệnh trừng phạt sau khi máy bay MH17 bị bắn rơi.

Như vậy tính đến hiện tại, nội bộ Liên minh châu Âu mới chỉ có Pháp là quốc gia phản ứng mạnh mẽ trước các lệnh trừng phạt mà EU đang áp đặt lên Nga, đối nghịch với quan điểm của nước Đức.

Các nước khác trong EU được cho là miễn cưỡng thực hiện lệnh trừng phạt Nga như Hungary, Bulgaria và Slovakia trước đó cũng thể hiện mong muốn lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ để mối quan hệ giữa các nước bình thường trở lại./.