Ngân hàng phát triển của khối Liên bang Xô viết cũ cho biết, việc giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến cho nền kinh tế trong năm nay của Nga giảm đến 4,8% so với mức giảm dự báo là 0,2% vào tháng 9 năm ngoái.

Kinh tế Nga suy thoái được nhìn thấy rõ ràng nhất ở việc giá dầu giảm, bởi đây là mặt hàng xuất khẩu chính của nước này. Bên cạnh đó là khó khăn tài chính gây ra từ các lệnh trừng phạt của EU và Hoa Kỳ áp đặt lên nước Nga do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Piroska Nagy, giám đốc chiến lược và chính sách quốc gia của EBRD cho biết: “Giá dầu sụt giảm không chỉ bộc lộ tác động của các vấn đề cơ cấu dài hạn trong nền kinh tế Nga, mà còn bởi sự trừng phạt ngày càng tăng.”

Bà nói thêm: "Tác động tiêu cực còn lan toả đến nhiều nền kinh tế ở Đông Âu, khu vực tiếp giáp Á-Âu và Trung Á. Đây là những vùng có quan hệ kinh tế khăng khít với Nga…"

Một số chuyên gia kinh tế dự báo rằng, sự suy thoái của nền kinh tế nước Nga thậm chí còn có thể lớn hơn trong năm nay. Dự báo mới đây của EBRD là bi quan nhất so với dự báo của bất kỳ tổ chức tài chính quốc tế lớn nào cho đến nay (con số dự báo của Ngân hàng Thế giới vào tuần trước là 2,9%) - theo thông báo mới nhất vào ngày hôm nay của IMF về triển vọng kinh tế thế giới.

EBRD đã cảnh báo rằng, ngay cả ở các nước nhập khẩu năng lượng, những tác động từ sự suy thoái của Nga sẽ lớn hơn cả lợi ích từ việc giá dầu giảm. Dự báo cho các nước sản xuất dầu mỏ khác cũng giảm mạnh, mức tăng trưởng của Ka-zắc-stan giảm còn 1,5% trong năm nay, từ mức dự báo là 5,1% trong tháng Chín, và A-déc-bai-gian giảm một nửa xuống còn 1,5%.

Tình trạng sụt giảm lớn khác đến từ các nước có quan hệ kinh tế đặc biệt chặt chẽ với Nga, bao gồm Moldova, quốc gia được dự báo tăng trưởng giảm xuống còn 0% từ 4%; Belarus giảm xuống còn 1,5% chứ không phải là tăng thêm 0,5% như dự báo trước đây.

Mặc dù theo dự báo, hầu hết các quốc gia đều có mức tăng trưởng sụt giảm, nhưng một số quốc gia và các tiểu vùng khác được dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khiêm tốn hoặc tốt hơn. Trung Âu và các quốc gia vùng Baltic được dự báo sẽ tăng trưởng 2,6%, dẫn đầu bởi Litva, Latvia và Ba Lan.

EBRD cũng dự báo rằng, nền kinh tế của Ukraine sẽ giảm 5% trong năm 2015. Ngân hàng đã cảnh báo rằng ngoại hối dự trữ của Ukraine đang ở "mức thấp trầm trọng".

Ngân hàng EBRD cho biết, họ sẵn sàng tài trợ cho Ukraine, nhưng Kiev cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu. Một phần sự hỗ trợ của ngân hàng dựa vào sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế khác nhằm ổn định tình hình tài chính và kinh tế của Ukraine.

IMF đã ước tính cần khoảng 15 tỷ USD tài trợ cho Ukraine trong năm nay. EU đã cam kết hỗ trợ 1,8 tỷ Euro, Mỹ là 2 tỷ Euro, trong khi IMF được cho là đã sẵn sàng để cung cấp 6 tỷ USD cho Ukraine, còn lại một khoản thâm hụt khá lớn cho đất nước này.

Dịch từ nguồn: http://www.ft.com/intl/cms/s/0/544e25d0-9fe6-11e4-9a74-00144feab7de.html#axzz3PE62Y5e3