Khai mạc WEF lần thứ 45 tại Davos

Hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia hàng đầu thế giới, giới trí thức và các nhà báo đã tới Davos (Thụy Sĩ) để tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 với việc thảo luận biện pháp tháo gỡ những thách thức hiện nay và tìm ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới.
Với chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới," chương trình nghị sự hội nghị năm nay gồm 280 phiên họp thảo luận về nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển, các vấn đề xã hội đến môi trường, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, năng lượng mới, an ninh lương thực, tương lai của Internet đến sự phát triển hệ thống tài chính...
WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,3% trong năm 2014 và 3,8% trong năm 2015.

ECB thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ để vực dậy kinh tế

Ngân hàng Trung ương châu Âu cuối cùng có thay đổi lớn về chính sách tiền tệ khi tại cuộc họp ngày 22/1 đã quyết định thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá hàng nghìn tỷ euro trong bối cảnh kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro phát triển trì trệ.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi nói, cùng với các chương trình đang được thực hiện là mua nợ của tư nhân và cấp hàng tỷ euro các khoản cho vay lãi suất thấp cho các ngân hàng, chương trình nới lỏng định lượng sẽ bơm thêm 60 tỷ euro (68 tỷ USD) vào nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro mỗi tháng.
Ông khẳng định các biện pháp bất thường sẽ được thực hiện đến khi lạm phát tăng một cách ổn định.
Đến cuối tháng 9/2016, hơn 1.000 tỷ euro sẽ được in ra theo chương trình này, lựa chọn chính sách lớn của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi mối nguy giảm phát.
Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cùng với các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ của các nước tùy theo tiềm lực vốn, có nghĩa các nền kinh tế lớn như Đức sẽ mua nhiều nợ hơn so với các nước thành viên nhỏ hơn như Ailen.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của UAE do giá dầu giảm

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2015 của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) do tác động của sự sụt giảm giá dầu đối với lĩnh vực năng lượng của quốc gia vùng Vịnh này.
Nền kinh tế của UAE được dự báo sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, giảm 1,0 điểm phần trăm so với dự báo của IMF được đưa ra hồi tháng 10/2014.
Kinh tế của Abu Dhabi dự kiến tăng trưởng 3% do lĩnh vực dầu mỏ sa sút. Các lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ của tiểu vương quốc này dự kiến tăng trưởng 5,5%. Trong khi đó, kinh tế của Dubai dự kiến đạt mức tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 4,6% trong năm tới.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của toàn bộ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) xuống còn 3,4%, giảm 1,0 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Nga thông báo kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 21 tỷ USD

Chính phủ Nga ngày 21/1 đã thông báo kế hoạch chống khủng hoảng, đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn, với số tiền cần chi lên tới 1.375 tỷ ruble tương đương 21 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, nguồn tài chính để thực hiện sẽ đến từ nhiều nguồn như ngân sách cũng như quỹ quốc gia đã được tích lũy từ xuất khẩu năng lượng trong những năm giá dầu ở mức cao.
Kế hoạch chống khủng hoảng đã được bàn trong nhiều ngày và theo nhật báo Kommersant, sẽ có hơn 100 điều khoản nhằm vào việc hỗ trợ tăng trưởng, đa dạng hóa nền kinh tế và tránh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng phải đóng cửa. Trong tổng số 1.375 tỷ ruble ước tính sẽ cần phải chi ra, phần đáng kể sẽ được dành để hỗ trợ hệ thống ngân hàng, 50 tỷ ruble được phân bổ cho ngành nông nghiệp, 20 tỷ ruble cho công nghiệp và 16 tỷ ruble cho ngành y tế để mua thuốc men./.