Lãnh đạo Syriza, ông Alexis Tsipras cho biết: "Đất nước Hy Lạp đang bước sang một trang mới... Chúng tôi đang thiết lập một chính phủ mới với các chính sách an sinh xã hội và sẵn sàng đàm phán với châu Âu."

Thắng cử đồng nghĩa với việc ông Tsipras sẽ phải chịu áp lực lớn từ phía các chủ nợ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, họ khá ấn tượng với quan điểm của ông Tsipras, nhưng họ lo ngại về sự thiếu kinh nghiệm trong việc điều hành chính phủ của Đảng Syriza và sức ảnh hưởng từ Đảng cực tả.

Đức phản đối việc hủy bỏ một số phần nợ của Hy Lạp. Đức cũng không chấp nhận các hình thức giảm nợ, như tăng kỳ hạn thanh toán và giảm lãi suất, trừ khi Hy Lạp tiếp tục theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế, hành chính công.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức - Jens Weidmann, hôm qua đã nói rằng ông hy vọng chính phủ mới của Hy Lạp sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề về cơ cấu của nó. Ông Mujtaba Rahman, thuộc hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết: "Giờ đây ông Tsipras sẽ phải quản lý những thách thức tài chính và chính trị rất khó khăn. Tình hình này có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa trước khi nó trở nên tốt hơn".

Những lựa chọn của ông Tsipras chỉ có giới hạn vì nhu cầu kinh phí của Hy Lạp trong năm 2015-2016 vào khoảng 28 tỷ Euro, trong đó món nợ 4,3 tỷ Euro phải trả vào tháng 3 và một món nợ khác trị giá 6,5 tỷ Euro khác phải trả trong tháng 7 và tháng 8.

Các ngân hàng Hy Lạp đang dựa vào các khoản tài trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhưng ECB cảnh báo rằng họ có thể sẽ tạm dừng tài trợ nếu không có một thỏa thuận mới nào giữa Athens và các chủ nợ. Bên cạnh đó, Hy Lạp sẽ không được hưởng lợi từ sáng kiến mua trái phiếu chính phủ của ECB, theo một công bố vào tuần trước, điều này có hiệu lực ít nhất cho đến tháng 7.

Tsipras khẳng định, ông muốn Hy Lạp ở lại khu vực đồng Euro - lập trường này nhận được sự đồng thuận của một phần lớn người Hy Lạp - ông cũng không có ý định đơn phương bác bỏ các khoản nợ. Ông đã đề nghị tổ chức một hội nghị châu Âu để giải quyết vấn đề nợ nần, giống như một hội nghị được tổ chức năm 1953 tại London về các khoản nợ Đức và đã đem đến một nền tảng cho "phép lạ kinh tế" của Tây Đức thời hậu chiến.

Cử tri quay sang ủng hộ Syriza do thất vọng với chính phủ cũ vì cuộc khủng hoảng kéo dài 6 năm. Một phần tư lực lượng lao động thất nghiệp, lương hưu trung bình đã giảm 40% và hàng trăm ngàn người Hy Lạp phải xếp hàng để nhận tiếp tế lương thực cứu đói.

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào hôm 24/01, ông Tsipras cho biết nền kinh tế của Hy Lạp sẽ "được an toàn trong tay Syriza", và nói thêm rằng, ưu tiên hàng đầu mà Syriza cần thực hiện sẽ là khởi động một gói phúc lợi 2 tỷ Euro để hỗ trợ khoảng 35% dân số đang sống trong đói nghèo./.

Dịch từ nguồn: http://www.ft.com/intl/cms/s/0/9610da8a-a496-11e4-8959-00144feab7de.html?siteedition=intl#axzz3Pt5pEsyl