Trong bối cảnh các vụ pháo kích nhằm vào thành phố cảng Mariupol miền Đông Ukraine khiến hàng chục người thiệt mạng, vào ngày 29/1, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố chung kêu gọi một lệnh ngừng bắn và muốn mở rộng danh sách các đối tượng chịu lệnh trừng phạt của khối này. Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng, tức là đến tháng 9/2015, đồng thời từ đầu tháng 2/2015 sẽ bổ sung một số cá nhân vào danh sách chịu lệnh trừng phạt.

Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức hoan nghênh quyết định này, đồng thời cảnh báo sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu nước này tiếp tục hỗ trợ phe đối lập tại Ukraine.

Song song với biện pháp gây sức ép này, Liên minh châu Âu cũng chuẩn bị cho việc nghiên cứu các khả năng áp đặt trừng phạt tiếp theo. Tuyên bố chung nêu rõ, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã yêu cầu các bộ phận chuyên trách trong Ủy ban châu Âu (EC) và Cục Hành động đối ngoại châu Âu đẩy mạnh các công tác chuẩn bị nhằm tạo cơ sở cho bất kỳ "biện pháp phù hợp nào".

Giới phân tích dự đoán điều này có thể là Liên minh châu Âu đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga. Tuy nhiên, đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini từ chối trả lời trực tiếp vào các câu hỏi liên quan đến dự đoán này. Thay vào đó, bà nhấn mạnh khối này sẵn sàng triển khai các biện pháp mới, song nhấn mạnh mọi quyết định về trừng phạt kinh tế sẽ thuộc trách nhiệm của lãnh đạo mỗi nước thành viên.

Ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nga lên án lệnh trừng phạt này là “thiếu xây dựng”. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những chỉ trích và sẵn sàng bày tỏ quan điểm về những tuyên bố của PACE. Nhưng họ lại không muốn lắng nghe chúng tôi”, ông nói. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cũng từng khẳng định rằng mọi biện pháp trừng phạt mới của Phương Tây nhằm vào Nga do vai trò của Moscow tại Ukraine sẽ là vô nghĩa và không có lợi./.