Kinh tế Eurozone khởi sắc trong tháng đầu tiên của năm

Một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ euro, Công ty khảo sát thị trường Markit công bố báo cáo cho thấy hoạt động kinh doanh của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng vọt lên mức cao nhất của năm tháng trong tháng 1/2015.
Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Eurozone trong tháng đầu tiên năm nay đã nhích lên 52,2 điểm từ mức 51,4 điểm trong tháng 12/2014. PMI lĩnh vực chế tạo cũng tăng lên 51 điểm, mức cao nhất trong sáu tháng, từ mức 50,6 điểm trong tháng 12/2014 còn PMI lĩnh vực dịch vụ cũng tăng từ 51,6 điểm lên 52,3 điểm.

Hy Lạp bắt đầu đàm phán giảm nợ với các đối tác khu vực Eurozone

Chính phủ mới của Hy Lạp ngày 30/1 bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên với các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm tìm cách giảm bớt "núi nợ" khổng lồ liên quan đến gói cứu trợ tài chính quốc tế trị giá 240 tỷ euro (269 tỷ USD) dành cho nước này.
Cuộc đàm phán được dự báo sẽ rất căng thẳng do Liên minh châu Âu (EU) và Đức đều tuyên bố không ủng hộ việc cắt giảm các khoản nợ cho Hy Lạp, trong khi chính phủ mới tại Athens hy vọng có thể gây sức ép buộc các chủ nợ giảm một nửa số nợ hiện lên tới 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Jeroen Dijsselbloem và đây được coi là sự mở đầu cho các cuộc đàm phán của Hy Lạp nhằm yêu cầu các chủ nợ xem xét lại các điều kiện trong thỏa thuận cứu trợ tài chính quốc tế.

Đức nâng mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2015

Chính phủ Đức vừa nâng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2015 lên 1,5%, cao hơn so với ước tăng 1,3% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói: “Kinh tế Đức đã trở lại con đường tăng trưởng, bất chấp bất ổn địa chính trị trong năm 2014. Động lực kích thích kinh tế trong năm nay sẽ chủ yếu đến từ chi tiêu tiêu dùng nhờ giá hàng hóa thấp và mức lương gia tăng.”
Thị trường lao động ở Đức dự báo sẽ duy trì sự ổn định. Số người có việc làm sẽ tăng thêm 170.000 người lên 42,8 triệu và tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm từ mức 6,7% trong năm 2014 xuống 6,6% trong năm nay.

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy kinh tế

Ngày 28/1, Singapore đã có một động thái bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh giá dầu đang tụt dốc ảnh hưởng đến lạm phát và ngân hàng trung ương nước này tìm cách thúc đẩy nền kinh tế.
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS - tức ngân hàng trung ương) cho biết sẽ làm chậm lại việc nâng tỷ giá đồng nội tệ so với một loạt loại tiền tệ khác, đồng thời hạ mức dự báo lạm phát của Singapore, chủ yếu do giá dầu thế giới giảm.
Thông tin trên đã dẫn tới việc đồng SGD giảm giá, theo đó 1 USD đổi được 1,3569 SGD, mức cao nhất của đồng USD kể từ tháng 8/2010 và tăng so với mức 1 USD đổi được 1,3441 SGD vào hôm 27/1./.