Giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 USD trong năm 2015

Giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày 13/2 đã lần đầu tiên trong năm 2015 tăng vượt ngưỡng 60 USD/thùng. Sự tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt cao hơn mức dự báo và số lượng các giàn khoan dầu của Mỹ tiếp tục giảm là nguyên nhân chính đảo đà lao dốc gần một năm qua của loại nhiên liệu sống còn đối với mọi nền kinh tế này.
Số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết giá dầu Brent giao tháng 4/2015 trong ngày 13/2 tăng 2,24 USD, tương đương với 3,8%, lên 61,52 USD/thùng. Giá dầu Brent chưa bao giờ vượt ngưỡng 60 USD/thùng kể từ ngày 24/12 năm ngoái.

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 2 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2015

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12/2 cho biết sẵn sàng hỗ trợ tài chính 2 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay. Đây là một phần trong chương trình cứu trợ quy mô lớn dành cho Ukraine có tổng trị giá 27 tỷ USD của WB, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác khác.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết khoản tài chính nói trên sẽ được sử dụng hỗ trợ người dân Ukraine đối phó với những khó khăn kinh tế và tài chính hiện nay thông qua việc hỗ trợ cải cách (đặc biệt trong lĩnh vực khí đốt, ngân hàng, dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng), bảo vệ người nghèo và thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng. Người đứng đầu WB bày tỏ hy vọng thỏa thuận Minsk vừa đạt được và thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với Ukraine sẽ giúp quốc gia Đông Âu này phát triển kinh tế ổn định hơn để mang lợi lợi ích cho người dân Ukraine.
Trước đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tuyên bố IMF, EU và một số tổ chức tư nhân đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Ukraine về gói cứu trợ tài chính có tổng trị giá 40 tỷ USD trong thời hạn 4 năm. Trong đó, IMF sẽ cấp 17,5 tỷ USD. Đổi lại, Ukraine phải cải cách sâu rộng nền kinh tế và tái cấu trúc tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogas để nhận số tiền trên.

EU và Hy Lạp đạt bước tiến khiêm tốn đầu tiên trong đàm phán nợ

Ngày 12/2, Hy Lạp và nhóm chủ nợ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí thảo luận ở cấp chuyên viên nhằm soạn thảo một chương trình tài trợ tạm thời cho Athens.
Cuộc họp đầu tiên giữa bộ ba chủ nợ (Liên minh châu Âu - EU, Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) với Hy Lạp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/3.
Đây được xem là bước tiến khiêm tốn đầu tiên trong tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận mới thay cho chương trình tín dụng hiện có giữa Athens và các chủ nợ quốc tế.

G20 cam kết thúc đẩy GDP toàn cầu tăng trưởng 2% vào 2018

Tỷ lệ lạm phát thấp kéo dài, tốc độ tăng trưởng chậm lại và nhu cầu yếu ở các quốc gia phát triển trên thế giới tạo ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó là những đánh giá trong tuyên bố chung của Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) kết thúc ngày 10/2 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo tuyên bố chung sau hội nghị, các quốc gia thành viên cam kết sẽ dứt khoát điều chỉnh các chính sách tiền tệ và tài chính nếu cần thiết để ứng phó với những rủi ro của nền kinh tế “ì ạch” trong thời gian dài, đồng thời giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 2% vào năm 2018.

Chính phủ Mỹ cho phép nhập khẩu một số hàng hóa từ Cuba

Danh sách do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cho biết công dân nước này sẽ được phép nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào do doanh nghiệp Cuba sản xuất, trừ thực phẩm, nông phẩm, đồ có cồn, khoáng sản, hóa chất, hàng dệt may, máy móc, xe cộ, vũ khí và đạn dược.
Theo danh sách này, hàng hóa nhập khẩu từ Cuba vào Mỹ phải do công dân Cuba vận hành. Tuy nhiên, đa số các loại hình doanh nghiệp này đều là dịch vụ như bảo dưỡng xe hay sửa đồng hồ và không có nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa.
Dẫu vậy, khả năng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường lớn và rất gần Cuba như Mỹ có thể tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân Cuba phát triển hàng hóa xuất khẩu./.