Nga và EU đều thiệt hại trăm tỷ Euro vì trừng phạt lẫn nhau

Theo báo EU Observer, gói biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng với Nga có thể khiến nước này thiệt hại khoảng 100 tỷ Euro trong năm nay và năm tới, song cũng có thể gây tổn thất tương tự cho EU.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho biết các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ và 50 tỷ Euro trong 2 năm này do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.

Mỹ viện trợ gần 7 triệu USD để tái thiết miền Đông Ukraine

Theo Reuters, Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/7 đã nói với Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk rằng Washington sẽ hỗ trợ Kiev gần 7 triệu USD để tái thiết các khu vực ở miền Đông nước này, trong đó có 1 triệu USD là viện trợ bổ sung.
Theo Nhà Trắng, gói viện trợ trên gồm các khoản đóng góp cho Hội Chữ thập Đỏ và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn phục vụ các hoạt động hỗ trợ y tế, tiếp cận nguồn nước sạch và một số dự án tái thiết quy mô nhỏ.

Argentina cận kề nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm

Argentina đang cận kề nguy cơ vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm qua khi phải thanh toán 1,3 tỷ USD tiền nợ và tiền lãi cho hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management theo phán quyết của tòa án liên bang Mỹ. Các chuyên gia cho rằng chỉ với kho dự trữ ngoại tệ ít ỏi 29 tỷ USD, quốc gia Nam Mỹ này rất khó có khả năng làm vừa lòng tất cả các chủ nợ.
Theo họ, một đợt vỡ nợ mới sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà kinh tế Argentina đang đối mặt.
Trang web Abeceb.com dự báo vỡ nợ sẽ khiến cho kinh tế nước này tăng trưởng âm 3,5%, lạm phát lên mức 41% và chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 3,8% vào cuối năm.

IMF cảnh báo nguy cơ đe dọa hệ thống các ngân hàng quốc tế

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo đánh giá tài chính nền kinh tế toàn cầu công bố ngày 29/7 cảnh báo, cuộc khủng hoảng Ukraine và phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt chống Nga có thể làm gia tăng rủi ro đối với những ngân hàng có giao dịch làm ăn với hai nước này.
Theo các chuyên gia IMF, các ngân hàng Áo là những thể chế dễ bị tổn thương nhất và những hậu quả đối với các ngân hàng này có thể ảnh hưởng tới các kênh tín dụng tại châu Âu./.