ECB bắt đầu triển khai chương trình nới lỏng định lượng

Ngày 9/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) được mong đợi từ lâu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD), nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tránh tình trạng giảm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo chương trình, ECB sẽ mua lại trên thị trường thứ cấp trái phiếu của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân thông qua việc “bơm” 60 tỷ euro/tháng vào các nền kinh tế Eurozone từ nay cho tới ít nhất tháng 9/2016, với mục tiêu tăng lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính để khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay thêm tiền, tăng mua sắm, đầu tư.

Ngân hàng trung ương Nga quyết định tiếp tục hạ lãi suất cơ bản

Ngân hàng trung ương (CB) Nga đã quyết định hạ 1 điểm phần trăm lãi suất cơ bản xuống còn 14%/năm, bắt đầu từ ngày 16/3. CB cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hạ lãi suất nếu các nguy cơ chính đối với lạm phát giảm.
Đây là lần hạ lãi suất cơ bản thứ 2 trong năm nay của Nga, sau lần đầu tiên được đưa ra hôm 30/1 khi CB hạ lãi suất cơ bản từ 17% xuống còn 15%. Phần lớn các nhà phân tích đều chờ đợi đợt hạ lãi suất này do lạm phát ở Nga đang giảm dần và đồng ruble ổn định. Tuy nhiên, theo CB, nền kinh tế Nga vẫn có nguy cơ phát triển chậm lại và GDP năm 2015 có thể sẽ sụt giảm 3,5-4%, cao hơn so với mức đánh giá sụt giảm 3% do Bộ Phát triển Kinh tế đưa ra.

Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP xuống xấp xỉ 7%

ngày 12/3, tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên cho biết Trung Quốc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng quy mô cung ứng tiền tệ M2 - chỉ số chủ chốt đối với chính sách kinh tế vĩ mô - trong năm nay ở mức vừa phải.
Báo cáo công tác chính phủ được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 5/3, Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng M2 từ 13% năm 2014 xuống 12% năm 2015 và tốc độ tăng trưởng GDP từ 7,5% xuống còn xấp xỉ 7%.

Toàn khu vực Tây Phi thiệt hại nặng nề do dịch Ebola

Ngày 13/3, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố báo cáo đánh giá những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh Ebola gây ra đối với một số quốc gia tại khu vực Tây Phi trong thời gian vừa qua.
Báo cáo của UNDP nhận định rằng không chỉ các nước bị dịch bệnh Ebola hoành hành như Guinea, Liberia và Sierra Leone phải gánh chịu thiệt hại to lớn về kinh tế, mà toàn khu vực Tây Phi và nhiều quốc gia khác nằm ngoài vùng này cũng thiệt hại không nhỏ.
Theo ước tính chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2014-2017, hằng năm, mỗi quốc gia từng bị dịch Ebola hoành hành kể trên thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD, trong khi các nước khác trong khu vực cũng bị mất trắng hàng tỷ USD do các hậu quả tai hại từ dịch bệnh này./.