IMF: Lạm phát thấp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế châu Âu

Phát biểu tại một hội thảo kinh tế ở Bilbao (Tây Ban Nha), Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã đề nghị Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) kiên trì chống chọi với lạm phát thấp và cảnh báo đó là yếu tố đang đe dọa sự phục hồi của khối gồm 18 nền kinh tế này.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng 2 không thay đổi so với tháng trước đó và ở mức 0,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%/năm mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

Bà Lagarde cảnh báo lạm phát thấp kéo dài có thể khiến nền kinh tế trật đà tăng trưởng. Hồi tháng 1 vừa qua, bà Lagarde đã cảnh báo về nguy cơ Eurozone quay lại vùng thiểu phát.

Tình trạng giá giảm kéo dài có thể khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch mua để đợi giá xuống tiếp, đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy trượt dốc. Trước những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Eurozone, IMF dự báo mức độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này ở mức 1% năm 2014 và 1,4% năm 2015.

Mỹ, Eu mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga

Mỹ và Liên minh châu Âu hôm 16/7 đã thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Động thái quyết định này nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các công ty mới trong danh sách đen của Mỹ bao gồm: hai ngân hàng lớn nhất của Nga, Gazprombank và VEB, cũng như Novatek, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất sẽ bị chặn huy động vốn dài hạn, trong khi một nhóm các công ty quốc phòng bị phong tỏa tài sản.

Ngay sau khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt, cuộc họp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels tuyên bố, họ cũng sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga.

Trong khi các cuộc đụng độ bạo lực tiếp tục ở miền đông Ukraine, thì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã mở ra một giai đoạn căng thẳng mới với Nga kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống của Ukraine tháng 5 vừa qua.

Malaysia Airlines có thể phá sản do vụ tai nạn máy bay MH17

Trong vòng 4 tháng qua, hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất 2 máy bay Boeing 777, sau hai chuyến bay định mệnh mang số hiệu MH370 và MH17. Những thảm họa này có thể khiến Malaysia Airlines chấm dứt hoạt động.

Chiếc Boeing-777 của Malaysia Airlines, bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, đã rơi tại Ukraine khi còn cách biên giới Nga 50km. Và ngay trong phiên giao dịch sáng 18/7, cổ phiếu của Malaysia Airlines đã giảm 13% giá trị.

4 tháng trước, một máy bay khác của Malaysia Airlines, trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, đã biến mất khỏi màn hình radar 1 giờ sau khi cất cánh.

Những thảm họa trên đã ảnh hưởng nặng nề tới tình hình tài chính của Malaysia Airlines. Chỉ trong quý 1/2014, Malaysia Airlines lỗ 134 triệu USD. Kể cả trước khi xảy ra tai nạn ở tỉnh Donetsk, Malaysia Airlines đã lỗ khoảng 1,6 triệu USD mỗi ngày, khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng "sống sót" của Malaysia Airlines. Và thảm họa 17/7 có thể đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Malaysia Airlines.

Nhật Bản nối lại các dự án ODA mới dành cho Việt Nam

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 18/7 đã quyết định nối lại việc cung cấp vốn cho các dự án mới sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định trên sau khi nhất trí với phía Việt Nam phương án tránh tái diễn các vụ việc tương tự trong tương lai.

Trước đó, ngày 2/6, Chính phủ Nhật Bản thông báo tạm đình chỉ cấp mới vốn vay ODA để tập trung giải quyết vụ việc công ty tư vấn xây dựng đường sắt Công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) (có trụ sở ở Tokyo) hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam./.