Sự sụt giảm của giá dầu đã khiến lạm phát khu vực châu Á giảm, thời gian vừa qua nhu cầu tiêu dùng của khu vực này cũng ở mức thấp.

Ba cuộc điều tra riêng biệt về các ngành dịch vụ và nhà máy của Trung Quốc được công bố vào ngày 04/01 cho thấy sự yếu kém rõ ràng đang tồn tại trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến cho mục tiêu tăng trưởng ban đầu của chính phủ Trung Quốc có nguy cơ không đạt mức 7% như mong đợi.

Chỉ số quản lý mua hàng chính thức tăng lên mức 50,1 trong tháng 3 so với mức 49,9 trong tháng 2, nhưng một cuộc điều tra của HSBC tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đã bị thu hẹp lại sau 2 tháng phục hồi.

Với chỉ số dao động quanh mức 50 (mốc phân cách thể hiện hoạt động của các doanh nghiệp được mở rộng hay thu hẹp), cả 2 báo cáo chỉ ra các điều kiện kinh tế vẫn còn chậm chạp, điều này có thể được phản ánh bởi các số liệu tăng trưởng trong quý đầu tiên của Trung Quốc vào ngày 15 sắp tới.

Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại HSBC cho biết: "Các chính sách mới được thực thi gần đây như việc nới lỏng quy tắc thế chấp, cho thấy mối quan ngại ở mức cao nhất của chính phủ đang tăng lên. Chúng tôi tin rằng nhiều biện pháp nới lỏng, đặc biệt là các biện pháp nới lỏng tiền tệ sẽ sớm được đưa ra."

Ông nói thêm: "Các dữ liệu về hoạt động kinh tế trong tháng 3 sẽ được phát hành trong 2 tuần tới. Việc xác nhận thêm về thực trạng kinh tế đang được thực hiện, nếu các con số thấp hơn so với chỉ tiêu chính thức thì các biện pháp nới lỏng từ PBOC có thể sẽ được thực hiện."

Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản cũng là quốc gia cần thêm các biện pháp kích thích kinh tế.

Kozo Yamamoto, một chuyên gia về chính sách tiền tệ trong đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Abe nói: "Nền kinh tế đang giậm chân tại chỗ và giá cả đang sụt giảm đáng kể. Làm ngơ trước tình trạng này không phải là sự lựa chọn đúng đắn giành cho BOJ."

Ông đã chia sẻ thêm với Reuters rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cần phải nới lỏng chính sách hơn nữa.

Việc mở rộng các hoạt động sản xuất trong tháng 3 của Nhật Bản đang diễn ra chậm chạp hơn so với tháng trước, do các đơn hàng trong nước lần đầu tiên giảm đột ngột trong gần 1 năm qua. Đây là dấu hiệu rất đáng lo ngại, cho thấy rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi có thể bị chững lại.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhật Bản cho thấy các công ty lớn tại quốc gia này đang tìm cách cắt giảm kế hoạch chi tiêu của họ.

Tại Hàn Quốc, xuất khẩu tháng 3 sụt giảm mạnh nhất trong 2 năm qua, trong khi lạm phát tăng chậm nhất kể từ năm 1999.

Theo một cuộc khảo sát của HSBC/Markit cho thấy Hoạt động của các nhà máy ở Indonesia - nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng phải đối mặt với tình trạng sản lượng và các đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử,.

Ấn Độ đã cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách 2 lần, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia cũng đã thực hiện nhiều chính sách nới lỏng khác.

Dịch từ nguồn: http://www.reuters.com/article/2015/04/01/us-global-economy-idUSKBN0MS3EY20150401