Trong báo cáo bán niên mang tên Triển vọng Kinh tế Châu Á được công bố ngày thứ Năm (07/05), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng GDP của khu vực sẽ duy trì ở mức 5,6% trong năm 2015. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ không đồng đều, trong đó Myanmar ghi nhận mức tăng 8,3%, Ấn Độ 7,5%, Trung Quốc 6,8% và Nhật Bản 1%.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ suy thoái vào năm ngoái sau khi tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8%. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản vẫn ở mức khiêm tốn nhưng sẽ cải thiện với các biện pháp mạnh tay để tăng năng suất như cải thiện luật lao động và quản lý công ty.

Bất chấp việc tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Giám đốc châu Á-Thái Bình Dương của IMF Changyong Rhee nhận định: "Các bạn không thể hi vọng rằng một quốc gia có thể duy trì mức tăng trưởng 10% mãi được. Những cải cách khiến nền kinh tế Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn, với tiêu dùng và dịch vụ trong nước mạnh hơn, thương mại và đầu tư có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng trong tương lai. Việc triển khai đầy đủ những cải cách này có thể giúp thu nhập của Trung Quốc tăng thêm 5% vào năm 2020".

IMF dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2015, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Những năm gần đây, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách; đồng thời tăng đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt và mạng lưới điện; giảm một số loại thuế; thu hút đầu tư trong và ngoài nước để kích thích tăng trưởng. Đặc phái viên IMF tại Ấn Độ Paul Cashin cũng khẳng định nỗ lực của Ngân hàng trung ương Ấn Độ trong việc đạt mục tiêu lạm phát.

IMF ước tính việc giá dầu giảm có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm từ 0,3-0,7% trong năm 2015. Trong khi các nhà sản xuất dầu mỏ chính đang phải chịu tác động từ việc giảm xuất khẩu, thì doanh nghiệp và người tiêu dùng tại những nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan lại được hưởng lợi từ chi phí thấp.

Hồi đầu năm nay, Ủy ban Kinh tế, Xã hội của Liên hợp quốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) đã ra nhận định rằng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 5,8% trong năm 2015, tăng nhẹ so với mức 5,4% của năm 2014 nhờ lạm phát và giá dầu mỏ giảm./.