Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Philippines

Ngày 23/5, các bộ trưởng thương mại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu nhóm họp tại đảo Boracay thuộc tỉnh Aklan, miền Trung Philippines, với mục tiêu thúc đẩy nỗ lực thành lập một khu vực thương mại tự do và tăng cường hội nhập khu vực.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các bộ trưởng thương mại của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tìm kiếm sự nhất trí về quá trình hiện thực hóa Khu vực Thương mại Tự do của châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng sẽ tập trung thảo luận các vấn đề như: thúc đẩy thương mại dịch vụ, chống bảo hộ trong thương mại thế giới và xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Hàn Quốc, Nhật Bản nối lại đối thoại về hợp tác kinh tế, tài chính

Ngày 23/5, Chính phủ Hàn Quốc thông báo nước này và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế và tài chính.
Thỏa thuận trên, đạt được trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan và người đồng cấp Nhật Bản Taro Aso tối 22/5 tại Nhật Bản, đánh dấu việc nối lại cuộc đối thoại song phương vốn đã bị ngừng từ tháng 11/2012 do quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi, cho phép hai nước láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á này trao đổi quan điểm về một loạt các vấn đề còn tồn tại.

AIIB bắt đầu hoạt động từ cuối 2015

Sau cuộc họp từ ngày 20 đến 22/5 tại Singapore để thảo luận về các chính sách hoạt động của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), các trưởng đoàn đàm phán của 57 nước tham gia AIIB với tư cách là thành viên sáng lập cho biết ngân hàng này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.
Theo các quan chức trên, cuộc họp này "đã kết thúc các cuộc thảo luận và chốt lại các điều khoản về thỏa thuận thành lập AIIB.”
Các bên liên quan sẽ ký điều khoản vào cuối tháng Sáu tới, sau đó AIIB chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm nay.
Dự kiến, AIIB sẽ có mức vốn ban đầu là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là quốc gia góp vốn lớn nhất với khoảng 30%.

Kinh tế Nga còn phải đối mặt với nhiều thách thức dài hạn

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cho hay kinh tế Nga dự kiến suy giảm 3,4% năm 2015, giảm nhẹ hơn so với dự kiến trước đó và sẽ thoát khỏi khủng hoảng trong năm 2016, nhưng tình hình tài chính công của nước này đang phải đối mặt với những thách thức dài hạn do giá dầu thấp.
Các quan chức IMF đã đưa ra dự đoán trên vào cuối chuyến công du Nga mới đây, sau khi thảo luận các chính sách kinh tế với các quan chức nước này. Hồi tháng Tư vừa qua, IMF dự kiến kinh tế Nga có thể giảm 3,8% năm 2015 và giảm khoảng 1% năm tới./.