Đối thoại Shangri-la năm 2015, diễn đàn an ninh có tầm quan trọng hàng đầu khu vực, vừa kết thúc sau 3 ngày diễn ra tại Singapore. Đối thoại Shangri-la 2015 đã đưa ra thông điệp chung của đại diện các nước tham dự diễn đàn, theo đó xây dựng lòng tin và sự minh bạch là điều kiện tiên quyết để gìn giữ một môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của 450 đại biểu, với số lượng bộ trưởng quốc phòng đông nhất từ trước đến nay, 18 bộ trưởng, trong đó có cả bộ trưởng quốc phòng các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.

"Nóng" vì Biển Đông

Đối thoại Shangri-la năm nay diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông vì các hành động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ồ ạt của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm kiếm một vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực để phản ánh sức mạnh kinh tế và chính trị của mình, gây ra những lo ngại trong khu vực.

Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang muốn mở rộng sự ảnh hưởng quân sự, trong khi Mỹ tiếp tục tăng cường chính sách cân bằng sang châu Á -Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng, tuy thách thức an ninh ở châu Âu và châu Á không giống nhau nhưng lại có những điểm tương đồng như cùng phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông cho rằng, có 5 yếu tố then chốt bảo đảm hòa bình và an ninh cho khu vực: Một là, các nước cần phải xây cơ chế bảo đảm đối thoại thường xuyên để ngăn chặn và giải quyết xung đột; Hai là, các nước cần phải đưa ra những quy định có tính ràng buộc và tôn trọng quy định luật pháp; Ba là, các nước phải củng cố lòng tin thông qua sự minh bạch; Bốn là, các nước cần xác định rằng một cấu trúc an ninh bền vững không bao giờ chống lại bất cứ nước nào mà phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên; và cuối cùng, chỉ có hợp tác, các nước mới có thể đi đúng hướng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng của Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh, châu Á đang ngày càng khẳng định là một khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng, song khu vực này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, an ninh mạng... Do đó, các quốc gia phải cần có sự đồng thuận cao, tránh xung đột, tìm ra các giải pháp chung trên cơ sở duy trì hòa bình và ổn định an ninh trong khu vực. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển và trên không.

Trung Quốc bất hợp tác

Trước những tuyên bố thẳng thắn và mạnh mẽ của các quan chức quốc phòng hàng đầu thế giới, đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ mất cân bằng an ninh khu vực và tiếp tục bao biện cho hành động bất tuân luật pháp của mình.

Với sự bất hợp tác của Trung Quốc, Thượng nghị sĩ John McCain – Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ cho rằng: “Cần biến những tuyên bố thành hành động”. Ông McCain cho biết đề xuất cung cấp hàng trăm triệu USD cho các nước Đông Nam Á đối mặt với những thách thức lãnh thổ xuất phát từ Trung Quốc đã được Thượng viện thông qua hôm 14/5. Dự kiến đề xuất này sẽ được lưỡng viện Quốc hội thông qua vào cuối năm nay với tên gọi “Kế hoạch Biển Đông” cho phép cấp 425 triệu USD để hỗ trợ huấn luyện, trang bị cho lực lượng vũ trang của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Không những thế, ông McCain còn tiết lộ, tuần tới Thượng viện Mỹ sẽ đưa ra bản dự thảo về việc nới lỏng cấm vận vũ khí với Việt Nam nhằm đối phó với kịch bản xảy ra khủng hoảng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter phát biểu tại đối thoại

Đáp lại những chỉ trích cũng như quan ngại của đại diện các nước tham dự Đối thoại về những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc cho rằng, tình hình Biển Đông hiện nay "về tổng thể là hòa bình và ổn định". “Khi xử lý các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng, Trung Quốc luôn ghi nhớ lợi ích lớn hơn của an ninh hàng hải. Trung Quốc luôn kiềm chế, bảo đảm an ninh an toàn trên biển, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới”, AFP dẫn lời ông Tôn Kiến Quốc.

Liên quan đến hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, ông Tôn Kiến Quốc cho rằng hoạt động này của Trung Quốc "ngoài việc đáp ứng các yêu cầu phòng thủ cần thiết, cải thiện cuộc sống của những người sống trên đảo, còn giúp thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc liên quan tìm kiếm và cứu hộ trên biển, phòng, chống thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường...".

Ông Tôn Kiến Quốc cũng nói rằng: "Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế... Các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cần phải được tuân thủ và là cách duy nhất để phát triển hòa bình. Hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình và ổn định". Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ có trách nhiệm gánh vác cùng các nước trên nguyên tắc coi Liên hợp quốc là trung tâm để bảo đảm hòa bình, đồng thời các nước cần thúc đẩy lòng tin, tìm ra điểm chung để giải quyết những khác biệt...

Ngay sau bài phát biểu này, rất nhiều học giả quốc tế đã đưa ra các câu hỏi với đại diện Trung Quốc làm rõ hơn về tính pháp lý, chính sách của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông hiện nay. Cũng như tại đối thoại năm ngoái, với lý do thời gian hạn chế không thể giải thích hết các chất vấn, đại diện của Trung Quốc đã đọc một bài được chuẩn bị sẵn, không trả lời trực diện bất kỳ câu hỏi nào của các học giả quốc tế liên quan đến tình hình Biển Đông./.