Thủ tướng Nga cho biết: "Về lĩnh vực kinh tế, các biện pháp trừng phạt (nhằm vào Nga) đã kích thích chúng ta hợp tác tích cực hơn với các nước châu Á. Thế nên cần cảm ơn rất nhiều những quốc gia đã áp đặt trừng phạt".

Ông nhấn mạnh, việc Nga lựa chọn đối tác kinh doanh là dựa theo quyền lợi quốc gia, tuy nhiên, thị trường châu Á và khối BRICS luôn là nơi quan trọng nhất: “60% GDP của thế giới ở đây. Sự phát triển chung của thế giới chủ yếu dựa vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nước kinh tế mới nổi BRICS. Do đó, sẽ là rất quan trọng để cho chúng tôi có một mối quan hệ tốt với các nước trong Liên minh kinh tế Á – Âu hay châu Á – Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Medvedev cũng khẳng định Nga không hề có ý định bỏ châu Âu và đặc biệt chú ý đến sự phát triển mối quan hệ giao thương của Nga với các quốc gia Baltics.

“Bạn biết đấy, khi chúng tôi bị bắt buộc phải tuyên bố trừng phạt lại, thì đó gọi là sự đáp trả. Nhìn vào kim ngạch giao thương giữa Nga và Latvia giảm 40%, Lithuania giảm 30% và Estonia giảm 25%, chúng tôi hiểu những con số này có ý nghĩa thế nào với các nước Baltics. Chúng đều là các sản phẩm nông sản và bạn không thể tìm được chúng trong thị trường Nga”, ông Medvedev cho biết.

Kể từ năm ngoái, khi căng thẳng giữa phương Tây và Nga gia tăng vì khủng hoảng Ukraine, Moscow đã quay sang tăng cường quan hệ với các nước châu Á. Thành công cụ thể nhất việc Nga ký thỏa thuận 400 tỷ USD cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Khi đến Ý hôm 10/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các biện pháp cấm vận của phương Tây đã khiến hàng trăm doanh nghiệp Ý hoạt động tại thị trường Nga thiệt hại nhiều triệu Euro. Tuy nhiên trước đó tại hội nghị G7 ở Đức, các nhà lãnh đạo phương Tây cảnh báo có thể sẽ mở rộng trừng phạt Nga nếu Moscow và phe ly khai ở miền đông Ukraine không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Các biện pháp cấm vận Nga cộng với việc giá dầu sụt giảm đẩy nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng hồi năm ngoái, khiến giá đồng rúp sụt tới 40%. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây giá dầu đã tăng lên, đồng rúp phục hồi 25% kể từ tháng 2/2015.

Hồi đầu tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Nga năm 2015 sẽ sụt giảm 2,7%, một kịch bản tích cực hơn nhiều so với dự báo sụt giảm 3,8% trước đó./.