OECD thúc giục các nước phát triển cải cách hệ thống tài chính

Ngày 17/6, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OECD) đã kêu gọi một cuộc cải cách tài chính rộng rãi để xóa bỏ sự bất bình đẳng và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển.
Trong báo cáo phân tích số liệu của 50 năm qua, Tổ chức bao gồm 34 nền kinh tế hàng đầu này chỉ ra rằng những cải cách tăng tính ổn định của khu vực tài chính sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế dài hạn cũng như cân bằng lại chênh lệch trong thu nhập.
Theo OECD, khu vực tài chính lành mạnh sẽ đóng góp vào tăng trưởng “mạnh mẽ và hợp lý” và ngăn ngừa được tình trạng “cho vay quá đà” và đảm bảo chức năng giám sát của ngân hàng.

IMF thông qua quyết định giải ngân 278 triệu euro cho Cyprus

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) ngày 19/6 đã thông qua quyết định giải ngân 278,4 triệu euro (315,8 triệu USD) cho Cyprus sau khi nhóm "bộ tam" chủ nợ gồm IMF, Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB) thừa nhận nước này đã đạt được một số tiến bộ trong cải cách kinh tế.
Như vậy với quyết định mới nhất của mình IMF đã giải ngân cho Cyprus tổng cộng 742 triệu euro trong chương trình cứu trợ trị giá 1 tỷ euro dành cho nước này từ năm 2013.

ECB tăng tiền trợ giúp cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 1,8 tỷ euro

ECB ngày 19/6 đã nâng mức trợ giúp thanh khoản khẩn cấp (ELA) tối đa dành cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 1,8 tỷ euro, trong bối cảnh các tài khoản ngân hàng ở nước này tiếp tục bị rút tiền ồ ạt, trước thềm một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp các nhà lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) diễn ra vào ngày 22/6 tới sẽ quyết định tương lai của Athens.
Các ngân hàng của Hy Lạp hiện đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ tài chính từ ECB để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Trong khi nguy cơ vỡ nợ đang cận kề, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trấn an người dân nước này rằng nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ không xảy ra, và Athens sẽ đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ trong tháng Tư tiếp tục tăng và là tháng tăng thứ hai liên tiếp, giúp Trung Quốc duy trì vị trí là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ.
Tổng giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ trong tháng Tư là 1.263 tỷ USD, tăng so với mức 1.261 tỷ USD trong tháng Ba. Hồi tháng 11/2013, con số này đã đạt mức đỉnh là 1.317 tỷ USD.
Sau Trung Quốc là Nhật Bản, chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ, với 1.215 tỷ USD trong tháng Tư, giảm so với mức 1.226 tỷ USD của tháng Ba.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì MERS tại Hàn Quốc được vay ưu đãi

Ngày 18/6, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) thông báo sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi lên tới 650 tỷ won (587 triệu USD) cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).
Các khoản vay này, có lãi suất chỉ từ 0,5-1%, sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch, khách sạn, giáo dục tư nhân cũng như bệnh viện và cơ sở y tế, bắt đầu từ ngày 1/7 tới.
Một quan chức của BOK còn cho biết các doanh nghiệp nhỏ và ít vốn có thể xin vay và ngân hàng này có thể cung cấp thêm các khoản vay như vậy tùy thuộc vào mức độ lây lan của MERS. Tuyên bố trên của BOK được đưa ra sau khi hồi đầu tuần này Bộ Tài chính Hàn Quốc thông báo sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 400 tỷ won cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi MERS./.