Tạm thời đóng cửa ngân hàng

Ngày 29/6, sau khi Hy Lạp đóng cửa ngân hàng và tăng cường biện pháp kiểm soát tiền tệ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ. Theo Bloomberg, giá dầu và đồng Euro giảm ngay sau khi Hy Lạp thông báo các biện pháp ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng và gây áp lực cho các chủ nợ nhượng bộ trước khi chương trình cứu trợ hết hạn vào ngày 29/6 . Chỉ số chứng khoán Đức DAX sụt 2,9% xuống 11.161,41 điểm trong phiên giao dịch sớm, còn chỉ số chứng khoán Pháp CAC giảm 3,4% xuống 4.887,69. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,6% xuống 6.643,83.

Chính phủ Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng trong 6 ngày làm việc và hạn chế mức rút tiền ở mức 60 Euro/ngày. Sàn chứng khoán Athens phải đóng cửa từ ngày 29/6 sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về các đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc Hy Lạp phải cải tổ để được mở rộng gói cứu trợ. Ngày 29/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng, ông cảm thấy bị “phản bội” bởi sự “tự cao tự đại” của Hy Lạp trong các cuộc đàm phán nợ thất bại, BBC đưa tin. Hy Lạp phải trả khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho IMF trong hôm nay, cùng ngày gói cứu trợ hết hạn.

“Quyết định của Hy Lạp về việc đóng cửa các ngân hàng chỉ là một yếu tố kịch tính nhất trong cuộc khủng hoảng đã vượt ra khỏi khả năng kiểm soát”, nhà phân tích thị trường Chris Beauchamp của hãng IG (Anh) nhận định. Cuộc khủng hoảng leo thang đặt ra vấn đề liệu Hy Lạp có rút khỏi khu vực đồng Euro gồm 19 quốc gia hay không. “Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận, khả năng Hy Lạp thực hiện cải tổ là rất đáng ngờ”, AP dẫn lời nhà kinh tế học Rajiv Biswas của hãng IHS Global Insight (Mỹ). Chuyên gia này cho rằng, việc Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng Euro có thể hạ tăng trưởng kinh tế của châu Á xuống 0,3 điểm phần trăm trong năm sau do các thị trường tài chính và thương mại bị gián đoạn.

Ai sẽ thiệt hại nhiều nhất?

Theo tính toán dựa trên các số liệu chính thức của hãng tin Reuters, Hy Lạp hiện đang phải đối mặt với một “núi nợ” lên đến 242,8 tỷ Euro (271 tỷ USD) từ các chủ nợ quốc tế, trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất.

Con số trên bao gồm các khoản cho vay nằm trong hai gói cứu trợ do châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Athens từ năm 2010, cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, hiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nắm giữ.

Trong đó, hai khoản cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF dành cho Hy Lạp có giá trị lên đến 220 tỷ Euro, với một phần trong đó đã được hoàn trả.

Hy Lạp, với tư cách nước đặt nền móng cho nền dân chủ hiện đại, sẽ khiến cả khu vực, thậm chí thế giới bị ảnh hưởng, nhưng chịu tác động nặng nề nhất chính là người dân Hy Lạp.

Nếu quốc gia này buộc phải rời EU, hậu quả với nền kinh tế của họ là vô cùng tồi tệ. Giá tài sản sẽ lao dốc, lạm phát tăng vọt, thất nghiệp thêm trầm trọng và nền kinh tế Hy Lạp vốn đã rất èo uột có khả năng sụp đổ.

Riêng về mặt tài chính, việc Hy Lạp rời EU sẽ khiến khối này bị mất toàn bộ các khoản tín dụng cấp cho Athens – thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp – hiện ở mức khoảng 331 tỷ Euro (480 tỷ USD).

Pháp và Đức sẽ là những nước chịu thiệt hại lớn nhất khi đang cho Hy Lạp vay hơn 110 tỷ Euro. Tiếp đó sẽ là các khoản cho vay của các ngân hàng. Hy Lạp hiện nợ các ngân hàng Đức, Pháp và Anh khoảng 30 tỷ Euro, nợ IMF hơn 20 tỷ Euro.

Do đó, một khi Hy Lạp buộc phải rời Eurozone, những chủ nợ trên sẽ phải xóa nợ cho Hy Lạp. Đó cũng là lí do vì sao rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện để giữ quốc gia này ở lại EU.

Các chủ nợ chính của Hy Lạp hiện nay (Ảnh: BBC)

Các chủ nợ chính của Hy Lạp hiện nay

Đề xuất gói cứu trợ mới

Theo CNN, trong một động thái bất ngờ, Hy Lạp hôm 30/6 đã trình lên các chủ nợ đề xuất cứu trợ kéo dài 2 năm mới, kèm một kế hoạch tái cấu trúc nợ.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, ngày 30/6, chính phủ nước này đã đề xuất một thỏa thuận 2 năm với Cơ chế Bình ổn châu Âu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của Athens, và nhằm tái cấu trúc nợ đồng thời.

Cơ chế Bình ổn châu Âu được hiểu là quỹ cứu trợ thường trực của Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, được khởi động từ năm 2012.

Mục tiêu của chương trình này là duy trì ổn định tài chính trong khu vực đồng Euro.

Đề xuất bất ngờ trên của Hy Lạp được đưa ra trong bối cảnh hạn chót gói cứu trợ dành cho Athens gần kề, cũng là thời điểm quốc gia châu Âu này đáo hạn khoản vay trị giá 1,5 tỷ Euro (tương đương 1,6 tỷ USD) đối với IMF.

Quyết định trên được xem như là nỗ lực cuối cùng vào phút chót của chính quyền Athens, với hy vọng có thể khai thông được tình trạng bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán, thương lượng với các chủ nợ của nền kinh tế châu Âu này.

Người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro Joroen Dijsselbloem nói rằng, các bộ trưởng tài chính khu vực sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn để thảo luận về đề xuất trên của Hy Lạp mà nhóm này vừa nhận được.

Theo Thủ tướng Tsipras, Athens sẽ phải đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng ở nửa sau 2015 và có thể cả 2016, do không nhận được 7,2 tỷ Euro còn lại của gói cứu trợ thứ hai và cũng không thể tiếp cận được các thị trường vốn quốc tế./.