Tự tin thắng kiện

Philippines đệ đơn kiện lên tòa PCA vào năm 2013, nhằm thực hiện quyền khai thác vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình chiểu theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1986.

Tại một phiên điều trần kín ngày 7/7 vừa qua, Philippines lập luận rằng, một tòa án quốc tế cần phải can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa nước này và Trung Quốc về vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên và thủy sản ở Biển Đông. Philippines nhấn mạnh, tòa trọng tài là nơi thích hợp để giải quyết các tranh chấp thuộc diện điều chỉnh của Công ước nói trên, mà cả hai nước đều tham gia ký kết.

Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia, vụ kiện tại PCA đang được các chính phủ châu Á và Washington theo dõi sát sao trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực gia tăng, liên quan đến việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân. Một ban gồm 5 thẩm phán sẽ lắng nghe lập luận của Philippines và quyết định liệu tòa án trên có quyền tài phán hay không.

Biểu tình phản đối Trung Quốc tại Philipppines

Luật sư Paul Reichler, đại diện cho Philipppines, nói: “Philippines tin tưởng tòa án này có thẩm quyền đối với tất cả tuyên bố mà mình đưa ra”. Ông bày tỏ niềm tin PCA rốt cuộc sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines. Luật sư cho biết vụ kiện sẽ tiếp tục ngay cả khi Trung Quốc từ chối tham gia.

Phán quyết của tòa có tính ràng buộc, mặc dù tòa án này không có quyền thực thi các phán quyết và thực tế trong quá khứ nhiều nước đã phớt lờ các phán quyết của tòa này. Reichler dự kiến quyết định về việc tòa án có quyền tài phán trong vụ này hay không sẽ được đưa ra trong vòng 90 ngày.

Trong một tuần lễ từ 7-14/7, năm thẩm phán tòa PCA trụ sở tại The Hague, Hà Lan, sẽ nghe điều trần của Philippines về đơn khiếu nại Trung Quốc ngày 7/12/2014. Các phiên điều trần đều là họp kín, tuy nhiên tòa chấp thuận đề nghị của Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan cho phép mỗi nước được cử một phái đoàn nhỏ tham gia với tư cách quan sát viên.

“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho vụ này. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có đủ chứng cứ pháp lý”, người phát ngôn Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte nhấn mạnh.

Chuyên viên tư pháp cao cấp Carpio, người đã dày công nghiên cứu và giảng dạy về Biển Đông, nói tòa án PCA là "diễn đàn duy nhất mà chúng ta có thể đánh bại Trung Quốc”. Ông nói thêm: "Trong tòa án, tàu chiến, máy bay chiến đấu, bom nguyên tử không có tác dụng. Tòa án này chỉ phán xét các trường hợp dựa trên luật biển. Và đó là diễn đàn mà chúng tôi bình đẳng với Trung Quốc, bất chấp sức mạnh quân sự của nước này”.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định, “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và Trung Quốc vi phạm UNCLOS thông qua việc cản trở Philippines thực hiện quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán và làm tổn hại môi trường biển khu vực bằng cách phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông… “Đáng buồn là Trung Quốc tranh chấp việc này trong cả lời nói và hành động”, ông del Rosario nói.

Ngoại trưởng Philippines cũng lên án Trung Quốc “hành động bạo lực” để áp đặt cái gọi là quyền của họ ở Biển Đông bằng cách khai thác tài nguyên trong khu vực vượt quá giới hạn của UNCLOS, đồng thời dùng vũ lực ngăn chặn các quốc gia ven biển khác, kể cả Philippines, khai thác trong khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.

“Nếu Trung Quốc có thể bất chấp những giới hạn được đặt ra bởi UNCLOS liên quan đến các quyền về biển ở Biển Đông và coi nhẹ quyền của Philippines theo UNCLOS thì giá trị của công ước này dành cho các quốc gia thành viên nhỏ là gì?”, ông del Rosario đặt vấn đề trước PCA.

Phiên tòa dự kiến tiếp tục kéo dài đến ngày 13/7, trước khi PCA đưa ra phán quyết liệu họ có quyền xét xử hay không. Nếu PCA tuyên bố tòa không có quyền phán quyết, vụ kiện sẽ kết thúc ngay sau đó. Còn nếu PCA quyết định ngược lại, Philippines sẽ tiếp tục tranh luận những vấn đề mấu chốt của vụ kiện.

Thắng lợi của Philippines sẽ có lợi cho Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam về kết quả dự kiến và ảnh hưởng của vụ kiện này, Phó Giáo sư Richard Javad Heydarian của Đại học De La Salle (Philippines) cho biết, nếu Philippines có thể khẳng định với các trọng tài về vấn đề thẩm quyền và khả năng chấp nhận vấn đề sơ bộ, là cơ sở để trọng tài quyết định rằng họ có thẩm quyền phán quyết những yêu cầu của Philippines, khi đó Trung Quốc sẽ phải bắt buộc nhận lấy phán quyết bất lợi cho họ - đó là câu hỏi về tính pháp lý của đường chín đoạn đầy tranh cãi, cũng như bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng các đảo và bãi đá trên Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Trong trường hợp này, Việt Nam và các nước khác cũng có cơ hội tốt để theo đuổi sự vận động pháp lý tương tự như Philippines để ép Trung Quốc phải trở lại bàn đàm phán về chủ quyền.

Trung Quốc đã kiên quyết phớt lờ mọi kết quả có thể gây tổn hại cho họ bằng cách tẩy chay mọi tiến trình của toà án và đặt ra sự nghi ngờ tính hợp pháp của toàn án. Và vì vậy, sẽ không có cơ chế thực hiện phán quyết của các trọng tài từ hai phía. Nhưng, dù sao, nếu phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc sẽ là một sự bẽ mặt rất lớn đối với quốc gia này, chứng tỏ rằng Trung Quốc không phải là nước đáng tự hào trong việc thuyết giáo về thiện chí trong việc tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế.

Đối với Mỹ và Nhật Bản, hai nước này rất ủng hộ phiên toà, bởi vì họ chống lại các nỗ lực của Trung Quốc muốn kiểm soát phần lớn các tuyến giao thông đường biển, như Biển Đông, nơi mà Hải quân Mỹ và các nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản có quyền lợi rất lớn trong tự do hàng hải./.