Người dân không có tiền mặt để chi tiêu, người về hưu không được nhận lương hưu, các ngân hàng buộc phải đóng cửa để ngăn người dân rút tiền ào ạt và thị trường chứng khoán đóng cửa để tránh sự sụp đổ, nền kinh tế suy sụp nghiêm trọng, Hy Lạp đang bên bờ vực phá sản, có thể buộc phải rời khỏi khối Eurozone và không sử dụng đồng Euro nữa và phải in đồng tiền khác thay thế nếu như không đạt được các thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế, bao gồm 3 chủ nợ chính là Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Quỹ tiền tế quốc tế (IMF) và Đức.

Hiện có nhiều lo ngại rằng các ngân hàng Hy Lạp sẽ sớm hết tiền - Ảnh : BBC

Ngày 30/6 vừa qua, Hy Lạp đã không thể trả nợ khoản vay tới hạn của IMF nên về lý thuyết, Hy Lạp đã chính thức rơi vào trạng thái “vỡ nợ”.

Chính phủ Hy Lạp cho biết các ngân hàng sẽ vẫn đóng cửa cho đến thứ 2 tuần sau (13/7) và hạn mức rút tiền tại ATM không thay đổi ở mức 60 Euro mỗi ngày.

ECB đang kiểm soát chặt chẽ vốn của các ngân hàng Hy Lạp, đóng băng khoản hỗ trợ khẩn cấp ELA cho Hy Lạp, đồng nghĩa với việc Hy Lạp sắp sửa cạn tiền.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã nhắc lại rằng các khoản nợ lớn của Hy Lạp sẽ cần tái cấu trúc: “Hy Lạp đang ở trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, cần phải được giải quyết một cách nghiêm túc và kịp thời”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định rằng, Hy Lạp phải nộp kế hoạch cải cách thuyết phục và bắt đầu thực hiện là tuần này.

Các chủ nợ quốc tế muốn Hy Lạp đưa ra các biện pháp cải cách thông qua quốc hội trước ngày chủ nhật tới để chứng minh ý định nghiêm túc của mình.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ yêu cầu quốc hội Berlin cho phép việc mở đàm phán khoản vay nếu các biện pháp của Hy Lạp được coi là đạt yêu cầu.

Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Giorgos Stathakis cho biết, Chính phủ Hy Lạp có thể thanh toán tiền lương và lương hưu vào tuần tới cho dù có hoặc không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã phát biểu rằng Hy Lạp không có sự lựa chọn nào khác ngoài yêu cầu một biện pháp mới giúp đưa Hy Lạp ra khỏi bế tắc này. Ông cho biết: “Chúng tôi không muốn đụng độ với châu Âu, mà là muốn giải quyết vấn đề cấp bách hàng đầu tại đất nước mình và thay đổi những suy nghĩ muốn đẩy chúng tôi và khu vực đồng Euro đi xuống.”

Đầu tuần, các chủ nợ quốc tế đã đưa ra tối hậu thư cho Hy Lạp thời điểm cuối cùng vào ngày chủ nhật tuần này để đưa ra bản đề xuất mới, giúp đất nước này giải quyết tình trạng tài chính tồi tệ hiện tại và có cơ hội ở lại khối Eurozone.

Hôm qua, Chính phủ Hy Lạp đã đệ trình một bản yêu cầu tới Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu (ESM) để vay một khoản tiền chưa xác định bao nhiêu nhằm “đáp ứng các nghĩa vụ nợ Hy Lạp và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.” Quốc gia này cam kết sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp cải cách thuế và lương hưu theo yêu cầu của các chủ nợ vào thứ 2 tuần sau. Thủ tướng Hy Lạp cam kết sẽ đệ trình kế hoạch cải cách chi tiết vào hôm nay trước các chủ nợ quốc tế.

Những diễn biến mới này đã hỗ trợ đồng Euro hồi phục và đồng USD giảm giá trở lại.

Trong những tuần gần đây, đồng bạc xanh đã tăng mạnh mẽ so với các đồng tiền chính khác trong rổ tiền tệ, đặc biệt khi đồng Euro suy yếu do những biến động tại Hy Lạp. Chỉ số USD đã tăng từ mức 93,30 điểm vào cuối tháng 5/2015 lên mức 97,50 điểm trong ngày đầu tuần này.

Tuy nhiên, kể từ sáng thứ Tư (8/7), các tín hiệu lạc quan mới từ Hy Lạp khiến đồng Euro tăng lại, nhu cầu đầu tư phòng tránh rủi ro giảm xuống.

Chỉ số USD đã giảm trở về mức 96,25 trong sáng nay.

Tỷ giá EUR/USD tăng lên mức 1,1078 trong sáng nay. Trong ngày thứ Ba (7/7), tỷ giá EUR/USD từng giảm xuống mức 1,0915, là mức thấp nhất trong 2 tháng qua./.