Sau khi phiên tranh tụng đầu tiên của vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông kết thúc ngày 13/7 (giờ địa phương), Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) đã đề ra những thời hạn mới để các bên tiếp tục củng cố lập luận và chứng cứ.

Được biết, việc tòa vẫn “chừa cửa” cho Trung Quốc tham gia vào các thủ tục tố tụng, là do nỗ lực thuyết phục của Philippines.

Google gỡ địa danh Trung Quốc khỏi bãi tranh chấp

Google vừa gỡ bỏ tên Trung Quốc khỏi phần địa danh của bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Bãi cạn này vốn được phía Philippines gọi là Panatag, còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham. Khi tìm bãi cạn này ngày 14/7, người sử dụng Google Maps chỉ có thể thấy tên gọi quốc tế Scarborough.

Hãng công nghệ Mỹ thực hiện động thái trên sau khi gần 2.000 người ký tên ủng hộ thư thỉnh nguyện trên website Change.org, yêu cầu Google Maps chấm dứt tiếp tay cho các yêu sách lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Thỉnh nguyện thư được đưa lên trang Change.org từ tuần vừa rồi, không lâu sau khi Google Maps gán cho bãi Scarborough là một phần của bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa.

Trong thông cáo được đăng trên website, PCA yêu cầu Philippines phải trình phần phúc đáp bằng văn bản đối với những câu hỏi bổ sung do các thẩm phán đưa ra trong phiên tranh tụng trước ngày 23/7. Dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận tham gia vụ kiện, Tòa trọng tài thường trực vẫn cho nước này cơ hội đưa ra bình luận bằng văn bản đối với các lập luận của phía Philippines trước ngày 17/8.

“Tòa trọng tài đã cập nhật cho phía Trung Quốc mọi diễn biến phiên tòa và khẳng định Trung Quốc vẫn có thể tham dự vụ kiện trong bất kỳ giai đoạn nào”, thông cáo viết.

Cũng trong thông cáo, PCA nêu rõ lý do phải tiến hành phiên tranh tụng về thẩm quyền xét xử. Một trong những lý do đó là Trung Quốc khẳng định những yêu cầu của Philippines nằm ngoài thẩm quyền xét xử của tòa án. Theo PCA, tòa án được lập theo mục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có thẩm quyền xét xử một vụ tranh chấp giữa các quốc gia thành viên nếu tranh chấp đó liên quan đến “việc diễn giải hoặc áp dụng” Công ước.

“Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc tham gia phiên điều trần và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe lời giải thích từ phía họ” - Người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết trong một trả lời phỏng vấn của AP qua điện thoại. Ngoài ra, Manila cũng ca ngợi hội đồng trọng tài với 5 thẩm phán đã công bằng và minh bạch trong việc xử lý các khiếu nại của Manila đối với Bắc Kinh.

Về phía Trung Quốc, theo báo PhilStar, ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi Philippines hủy bỏ vụ kiện và “quay trở lại với cơ chế đàm phán để giải quyết tranh chấp”.

Bà Hoa nhấn mạnh, Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận các hành vi đơn phương nhằm đưa bên thứ ba vào giải quyết tranh chấp”.

Nguồn tin của Chính phủ Philippines tiết lộ, Trung Quốc đe dọa rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tẩy chay Hội nghị APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) ở Manila vào tháng 11 tới nếu Philippines không chịu hủy bỏ vụ kiện.

Đài ABS-CBN (Philippines) ngày 13/7 cũng trích một nguồn tin ngoại giao nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ không có mặt tại APEC, do phát biểu của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hồi tháng trước đã so sánh hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông như Đức Quốc xã xâm chiếm châu Âu thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

“Lời phát biểu đó làm ông Tập giận dữ. Ông Aquino không nghĩ rằng bằng cách so sách Đức Quốc xã với Trung Quốc, ông ấy hàm ý ví ông Tập Cận Bình là trùm phát xít Hitler?”, nguồn tin ngoại giao nói và nhận định thêm rằng đó cũng là "sự xúc phạm" đối với người Trung Quốc.

Nếu ông Tập Cận Bình vắng mặt tại hội nghị APEC năm nay, đây sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc vắng mặt tại sự kiện này. Năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng vắng mặt hội nghị APEC tổ chức ở Indonesia, vì chính phủ Mỹ lúc đó phải "đóng cửa" vì không có ngân sách cho năm tài chính.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc không muốn Manila tận dụng sự kiện này để "bêu rếu" Bắc Kinh trước các nhà lãnh đạo, vì vậy họ lựa chọn giải pháp "tẩy chay"./.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://dantri.com.vn/the-gioi/vu-kien-bien-dong-toa-van-chua-cua-cho-trung-quoc-1098672.htm

http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/phien-toa-philippines-kien-trung-quoc-trung-quoc-duoc-trao-co-hoi-phan-bien-585087.html

http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/trung-quoc-se-tay-chay-hoi-nghi-apec-o-philippines-584519.html

http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150715/doi-dau-phap-ly-philippines-trung-quoc-ket-thuc-hiep-mot/777699.html